Hotline: 024 7300 8866

Cấp Cứu Ngoài BV: 1900 636 555

  |  

Đột ngột dừng thuốc, bệnh nhân tiểu đường nhập viện trong tình trạng nguy kịch

Ngày 20/5, BV Hồng Ngọc đã cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân L.T. Ngọc(*) nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, mất nước trầm trọng. Được biết, cô bị tiểu đường từ nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây cô bỏ thuốc và chuyển sang chế độ ăn kiêng “tự chữa lành”.

Nghe theo phương pháp ăn kiêng trên mạng, suýt chút nữa mất mạng

Bệnh nhân L.T. Ngọc bị tiểu đường tuýp 2 từ năm 2010. Cô vẫn đi khám, uống thuốc và tiêm insulin đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nhưng khoảng 3 tháng trở lại đây, nghe lời khuyên của một số người, cô dừng hẳn thuốc và tuân theo cơ chế “tự chữa lành” bằng một chế độ ăn uống khắt khe. 

Cô Ngọc chia sẻ: “Tôi được bạn bè giới thiệu phương pháp ăn kiêng để trị bệnh nên cũng tìm hiểu thử. Thấy nhiều trường hợp khỏi bệnh thật nên tôi tin lắm. Hơn nữa, tôi cũng không muốn uống thuốc vì uống thuốc rất mệt, sợ ảnh hưởng đến gan thận”.

Theo phương pháp này, thực đơn của cô bỏ hẳn thịt, thay vào đó là ăn sắc màu hữu cơ thực vật, ăn bột các loại đậu, bột rau của Mỹ. Mỗi ngày, cô chỉ ăn lưng bát cơm gạo lứt với muối vừng vào 10 rưỡi sáng… Ăn liên tục như vậy, cân nặng của cô giảm nghiêm trọng, một tháng giảm 5-6kg. 

Nhận thấy cân nặng giảm quá nhanh, cô có hỏi ý kiến tư vấn viên của phương pháp này thì được giải thích là “Cơ thể con người như một cái nhà nhiều rác. Bây giờ, rác được quét ra nên sẽ bị sụt cân”. Nghe vậy, cô vẫn tin tưởng và tiếp tục thực đơn “không có thịt” cùng với việc dừng thuốc.

Cơ thể suy kiệt khi “tự chữa lành”

Sau 3 tháng ăn kiêng, cân nặng của cô giảm từ 51kg xuống còn 35kg. Đến khi cơ thể không trụ được nữa, cô phải nhập viện cấp cứu trong đêm với tình trạng sức khỏe hết sức nguy kịch, mất nước nghiêm trọng và rối loạn ý thức. Theo BSCKI Đinh Quốc Anh – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Hồng Ngọc, nếu không nhập viện sớm, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê, thậm chí tử vong.

Tích cực hồi sức bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân

Bác sĩ Quốc Anh, chủ trì điều trị ca bệnh cho biết: “Khi nhập viện, bệnh nhân đang ở tình trạng rất nguy kịch, mất nước, sụt cân nghiêm trọng. Đường máu tĩnh mạch của bệnh nhân trên 44, mức cực kỳ nguy hiểm, mạch nhanh, 120 lần/phút, ý thức mơ hồ. Chúng tôi nhanh chóng tiến hành bù dịch, sử dụng insulin tĩnh mạch, kiểm soát hô hấp, tuần hoàn và điều chỉnh rối loạn đường máu, điện giải.”

2 ngày đầu nằm viện, bệnh nhân được theo dõi sát sao, được test đường máu 1-2 giờ/lần để điều chỉnh liều insulin phù hợp, điều chỉnh rối loạn điện giải, bù nước, đồng thời theo dõi hô hấp, tuần hoàn và ý thức. Sau 48 giờ, ý thức của bệnh nhân tỉnh táo, đường máu ổn định hơn. 2 ngày sau, đường máu về mức 7-8 mmol/lit, không còn hiện tượng khát nước và cô ăn uống ngon miệng hơn.

Bác sĩ Quốc Anh chia sẻ thêm: “Qua khai thác bệnh sử, trước đây bệnh nhân uống 2 loại thuốc và tiêm 1 mũi insulin vào buổi tối để kiểm soát lượng đường. Chính việc dừng thuốc đột ngột của cô đã dẫn đến biến chứng nguy hiểm phải nhập viện cấp cứu. Chúng tôi sẽ phải duy trì phác đồ điều trị trong 1-3 tháng, sau đó xem xét tăng giảm liều thuốc phù hợp với thể trạng của bệnh nhân”.

Vừa điều trị, các bác sĩ cũng tích cực khuyên cô nên tạm dừng chế độ ăn kiêng. Thay vào đó, hãy uống thuốc đều đặn và ăn uống khoa học để giúp nhanh hồi phục sức khỏe cũng như ngăn ngừa tình trạng tương tự xảy ra, rất nguy hiểm cho bệnh nhân.

Bệnh nhân tỉnh táo sau 48h nhập viện

Lời cảnh tỉnh cho nhiều người tin theo phương pháp “tự chữa lành”

Ngày nay, nhiều người tìm đến phương pháp “tự chữa lành” với mong muốn có thể đẩy lùi bệnh tật, bảo vệ sức khỏe một cách an toàn, lành mạnh. Phương pháp này có những cơ sở khoa học nhất định, kết hợp giữa chế độ ăn uống, tập luyện khoa học với cảm xúc tích cực giúp nâng cao sức khỏe nhưng cần được thực hiện đúng cách. Việc thực hiện sai không những không điều trị bệnh mà thậm chí còn đe dọa sức khỏe và tính mạng của chính họ.

Như trường hợp của cô L. T. Ngọc, sau 3 tháng bỏ thuốc và thực hiện chế độ kiêng khem quá mức, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cô đã rút ra được bài học vô cùng đắt giá: “Tự chữa lành có thể đem lại hiệu quả nhưng nên thực hiện từ từ để cơ thể kịp thích ứng. Đặc biệt, nếu đang phải uống thuốc thì không được bỏ thuốc đột ngột. Khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường thì nên đi khám, không được cố chấp để lâu kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính sự cố chấp, áp dụng một cách mù quáng mà tính mạng của tôi suýt chút nữa bị đe dọa.

Cũng theo như bác sĩ Quốc Anh: “Việc duy trì thuốc, kiểm soát đường máu rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường. Vì thế, không được tự ý dừng thuốc. Tiểu đường là bệnh mạn tính, người bệnh nên đi khám hàng tháng, tối thiểu 3 tháng phải làm xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, thận, chỉ số đường một lần. Nếu có các biểu hiện bất thường như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân, nhiễm trùng… thì nên đi khám ngay”.

(*)Tên của bệnh nhân đã được thay đổi.

Bài viết liên quan