Hotline: 024 7300 8866

Cấp Cứu Ngoài BV: 1900 636 555

  |  

Cách làm teo polyp mũi hiệu quả

Polyp mũi là khối u lành tính nằm ở trong hốc mũi. Bệnh để lâu sẽ làm trầm trọng hơn các bệnh viêm mũi, viêm xoang, khiến người bệnh khó chịu, khó thở, mệt mỏi.

Hiểu đúng về polyp mũi

Niêm mạc mũi là lớp bảo vệ bên trong mũi và các xoang, có tác dụng làm ẩm không khí khi hít vào. Nguyên nhân làm kích thích niêm mạc mũi đến có thể là các yếu tố gây viêm hoặc dị ứng. Lúc này niêm mạc mũi sẽ sưng và đỏ, gây sổ mũi trong một số trường hợp. Nếu tình trạng kéo dài hoặc tái lại nhiều lần sẽ phát triển thành các polyp mũi. Các polyp có hình dáng là khối tròn giống nang nhỏ, khi các khối này phát triển quả to có thể làm tắc nghẽn đường thở.

Tác nhân làm hình thành các khối polyp mũi có thể kể đến là:

– Viêm xoang tái đi tái lại nhiều lần dẫn đến viêm xoang mạn tính;

– Tiền sử hen xuyễn;

– Mắc bệnh xơ nang;

– Viêm mũi dị ứng;

– Hội chứng Churg-Strauss;

– Người bệnh nhạy cảm với các thuốc kháng viêm không chứa thành phần steroid (NSAIDs);

– Có tác nhân di truyền do các gen gây ra đáp ứng của niêm mạc mũi với yếu tố gây viêm.

Cách làm teo polyp mũi

Polyp mũi có dạng tròn, giống nang nhỏ, nằm bên trong mũi

Polyp mới sẽ tiến triển theo các giai đoạn khác nhau:

– Giai đoạn 1: Giai đoạn khởi phát, polyp mũi mới hình thành, còn nhỏ, nằm gọn trong khe giữa mũi, không nhận biết được qua mắt thường, chỉ phát hiện thông qua nội soi mũi;

– Giai đoạn 2: Polyp đã phát triển lớn hơn, kích thước đã chiếm hết khe giữa mũi;

– Giai đoạn 3: Polyp to, chiếm gần hết đường thở, làm người bệnh khó thở, không phân biệt được mùi vị, có thể nhìn thấy khối polyp khi soi gương;

– Giai đoạn 4: Polyp phình to cực đại, màu sắc chuyển từ màu hồng sang màu trắng đục, dễ bị lầm tưởng là thịt thừa.

Polyp mũi có nguy hiểm không?

Nếu chỉ là một khối nhỏ nằm trong mũi thì ít có khả năng gây biến chứng. Tuy nhiên, polyp khi phát triển và có kích thước lớn hoặc có nhiều polyp nhỏ sẽ làm cản trở lưu thông không khí qua mũi. Người bệnh sẽ luôn cảm thấy bị nghẹt mũi, khó phân biệt được các loại mùi, tình trạng kéo dài dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

– Ảnh hưởng đến cấu trúc xương của mũi: Polyp có kích thước lớn sẽ làm giãn rộng hốc mũi, tiến sâu vào cửa mũi sau, làm mỏng xương hốc mũi. Dùng tay ấn vào có hiện tượng lõm, thả tay ra thành xương trở lại như cũ. Hình dạng hốc mũi và chiều cao của mũi sẽ bị thay đổi;

– Ngưng thở khi ngủ: Kích thước polyp lớn gây chèn ép đường thở, gây tình trạng nghẹt, khó thở, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh nếu xảy ra hiện tượng ngưng thở đột ngột khi ngủ;

– Giảm độ nhạy của khướu giác: Vì polyp làm cản trở đường thở nên chức năng của khướu giác cũng giảm đi. Tình trạng kéo dài, người bệnh sẽ khó nhận biết được mùi vị, nặng hơn là không thể khôi phục lại khướu giác ban đầu;

– Viêm tai giữa: Polyp mũi có thể gây biến chứng viêm tai giữa, làm chức năng nghe của tai bị giảm sút;

– Viêm xoang: Gây viêm xoang cấp hoặc mạn tính;

– Thay đổi cấu trúc gương mặt: Polyp mũi quá lớn làm khoảng cách giữa hai mắt cách xa nhau hoặc gây ra chứng song thị (nhìn một thành hai). Đây là biến chứng hay gặp ở những bệnh nhân mắc xơ nang phổi.

Cách làm teo polyp mũi

Polyp mũi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngưng thở đột ngột khi ngủ

Cách làm teo polyp mũi hiệu quả

Có 2 cách làm teo polyp mũi hiệu quả đó là dùng thuốc – điều trị nội khoa theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc thực hiện phẫu thuật. Để biết chính xác phương pháp điều trị hiệu quả nhất với tình trạng bệnh của bản thân, người bệnh khi có dấu hiệu bất thường về đường hô hấp, cần tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Dùng thuốc – Thực hiện điều trị nội khoa

Cách làm theo polyp mũi bằng thuốc phù hợp khi polyp mới hình thành, kích thước còn nhỏ. Các thuốc chống viêm có tác dụng làm giảm kích thước polyp mũi, đồng thời làm giảm các triệu chứng tắc nghẽn mũi đó là:

– Thuốc xịt mũi chứa thành phần corticosteroid để điều trị cho người bệnh một hoặc một vài polyp nhỏ. Thuốc có tác dụng giảm triệu chứng viêm, tăng luồng không khí qua mũi và giúp làm teo nhỏ polyp mũi. Nhược điểm của thuốc xịt mũi là không điều trị được triệt để, ngưng dùng thuốc là triệu chứng quay lại. Tác dụng phụ của thuốc xịt mũi chứa steroid là chảy máu mũi, viêm họng hoặc nhức đầu;

– Thuốc chứa corticoid dùng qua đường uống hoặc tiêm như prednisone được sử dụng khi người bệnh dùng thuốc xịt mũi không đạt hiệu quả. Tuy nhiên đây cũng không phải biện pháp nên dùng lâu dài, vì thuốc chứa corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ như ứ dịch, làm tăng huyết áp và tăng nhãn áp;

– Thuốc kháng histamin hoặc thuốc kháng sinh: Dùng trong các trường hợp điều trị viêm xoang hoặc viêm mũi dị ứng, giúp giảm nhanh triệu chứng ngạt mũi dù không loại trừ được polyp;

– Thuốc kháng nấm: Phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể đối với vi nấm ở môi trường xung quanh gây viêm xoang mạn. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng nấm, kết hợp với phẫu thuật cắt bỏ những mảnh vi nấm.

Người bệnh cần lưu ý, chỉ sử dụng thuốc làm teo polyp mũi theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ các quy định sử dụng thuốc, giảm tối đa tác dụng phụ do thuốc gây ra. 

Phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi

Phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi là chỉ định được đưa ra khi bệnh nhân không đáp ứng được với phương pháp điều trị nội khoa. Trường hợp bệnh nhân mắc xơ năng phổi có polyp mũi nhưng đề kháng với corticoid thì phẫu thuật cắt polyp mũi là cách làm điều trị phù hợp nhất. Bác sĩ sẽ căn cứ vào số lượng và vị trí polyp để lựa chọn phương pháp phẫu thuật.

– Cắt loại bỏ polyp: Phương pháp được chỉ định cắt polyp có kích thước không quá to, chỉ có 1 polyp. Sau cắt, bệnh nhân được điều trị viêm bằng thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid hoặc dùng thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticosteroid qua đường uống. Sau khi cắt, polyp mũi vẫn có thể tái phát và cần phẫu thuật lại;

– Phẫu thuật cắt polyp bằng phương pháp nội soi xoang (Endoscopic sinus surgery): Không chỉ cắt loại bỏ polyp mà còn mở cả phần xoang – nơi polyp hình thành. Nếu bệnh nhân có tình trạng xoang bị nghẹt và viêm, bác sĩ sẽ mở rộng thêm hốc xoang. Ưu điểm của phương pháp là chỉ để lại sẹo rất nhỏ, ít đau, ít chảy máu, nhanh lành. Nhược điểm, bệnh nhân vẫn cần vài tuần để phục hồi sức khỏe hoàn toàn và polyp vẫn có nguy cơ tái phát.

Cách làm teo polyp mũi

Chỉ sử dụng thuốc làm teo polyp mũi theo chỉ định của bác sĩ

Phòng ngừa và làm chậm tiến triển polyp mũi

Để giảm nguy cơ mắc polyp mũi hoặc làm chậm tiến triển của polyp, chúng ta nên bảo vệ sức khỏe hệ hô hấp bằng các cách sau:

– Hạn chế các tác nhân gây kích ứng niêm mạc mũi như không khí ô nhiễm, khói bụi, phấn hoa bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài.;

– Thực hiện đúng phác đồ điều trị bệnh hen suyễn  hoặc dị ứng nhằm hạn chế biến chứng polyp mũi;

– Vệ sinh tay chống lây nhiễm vi khuẩn, tránh nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng, viêm xoang;

– Tạo độ ẩm môi trường xung quanh thích hợp để cải thiện tình trạng hô hấp ở các xoang, tránh viêm và tắc nghẽn;

– Dùng nước muối ấm để rửa mũi cuối mỗi ngày, giúp không khí trong mũi được lưu thông dễ dàng, loại bỏ các chất kích thích gây dị ứng. Nên dùng nước muối không pha chất bảo quản benzalkonium để tránh gây kích ứng niêm mạc mũi.

Polyp mũi làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, khi gặp các vấn đề như nghẹt mũi, chảy nước mũi, cảm giác về mùi giảm, viêm mũi xoang kéo dài,… người bệnh nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra, chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của mình và có can thiệp điều trị hợp lý.

**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc/

Bài viết liên quan