Câu hỏi
Em đi khám được chẩn đoán thai nhi có vết tăng âm ở tim. Kết quả xét nghiệm Double test và triple test em có nguy cơ thấp. Em mong các bác sĩ tư vấn giúp em, vết tăng âm ở tim thai có ảnh hưởng tới chức năng tim của con không và em cần làm các xét nghiệm cần thiết nào không? (Nguyễn Thị Minh An – Tuần thai: 28)
Trả lời:
Siêu âm tim nên được tầm soát vào thời điểm 18 – 22 tuần và tốt nhất là lúc 20 – 22 tuần. Siêu âm giúp đánh giá khảo sát các bất thường về cấu trúc và chức năng của tim như các van tim, hệ thống mạch máu, cơ tim. Hiện tại chưa có bằng chứng các vết tăng âm trên tim với bệnh lý di truyền của thai. Chị cần đi khám và theo dõi theo chỉ định của bác sĩ.
Câu hỏi:
Em đi khám được chẩn đoán dọa sinh non nên đã tiêm 2 mũi trưởng thành phổi lúc hơn 33 tuần nhưng bắt đầu từ sau khi tiêm em cảm nhận thai đạp ít đi một chút và thai không tăng cân nữa. Em đi siêu âm cùng một chỗ thì trong 10 ngày thai không tăng lạng nào. Trước đó thai tăng đều 1 tuần 2 lạng. Bác sĩ cũng chỉ bảo em về ăn uống để theo dõi thêm. Mong các bác sĩ tư vấn giúp em liệu có phải do mũi tiêm hay còn có những nguyên nhân nào khác. (Phạm Thùy Vân – Thai 35 tuần)
Trả lời:
Chỉ định dùng corticoid được khuyến cáo từ 28 đến hết 34 tuần. Dọa đẻ non là bệnh gây nguy cơ sinh non ở những thai phụ có tuổi thai dưới 37 tuần. Trẻ sinh non có những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sau sinh, tăng nguy cơ tử vong gấp 3 lần mà trong đó hội chứng suy hô hấp cấp là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sinh non. Và liệu pháp corticoid đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ mắc và giảm mức độ nghiệm trọng hội chứng suy hô hấp cấp và tỉ lệ tử vong sau sinh ở trẻ đẻ non
Bn Phạm Thùy Vân thai 33 tuần dọa đẻ non nên đã được chỉ định tiêm 2 mũi trưởng thành phổi. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa việc dùng thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi và cân nặng của thai nhi. Các bác sĩ đã cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại trong việc trong việc sử dụng thuốc cho chị. Ngoài ra, cân nặng thai nhi trên siêu âm vẫn có sai số cho phép ở các lần đo từ 200 – 300 gr. Mẹ bầu cần đi khám theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi sát sao tình trạng của mẹ và thai để loại trừ các bệnh lý về thai nghén khi đang có thai: như dọa sinh non, tiền sản giật, suy thai … làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai trong thời gian kế tiếp.
Câu hỏi:
Tôi thường xuyên bị cảm cúm mỗi khi thời tiết thay đổi. Vừa rồi tôi có đi tiêm phòng cúm tại Bệnh viện Hồng Ngọc. Bác sĩ cho tôi hỏi, tiêm phòng cúm rồi thì có bị cúm không? Tôi xin cảm ơn! (Ngọc Mai, Hà Nội).
Trả lời:
Với câu hỏi của bạn, bệnh viện xin phép được trả lời như sau:
Khi tiêm phòng cúm, từ thời điểm tiêm, phải chờ khoảng gần 10 ngày tới 2 tuần để vắc-xin phát huy tác dụng. Nếu người vừa được tiêm phòng tiếp xúc với người bị cúm trước thời điểm vắc-xin phát huy tác dụng thì vẫn có nguy cơ bị cúm.
Ngoài ra, sau khi tiêm vắc-xin phòng cúm, khách hàng vẫn có khả năng mắc cúm vì không có loại vắc-xin nào cho hiệu quả bảo vệ tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu đã tiêm vắc-xin nếu có mắc cúm cũng sẽ ở thể nhẹ. Bên cạnh đó, virus cúm thường biến đổi kháng nguyên và vắc-xin cúm thường chỉ có tác dụng phòng bệnh trong 1 năm. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh cúm mùa hiệu quả, khách hàng nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm.
Câu hỏi:
Chào bác sĩ, em năm nay 25 tuổi, vừa đốt viêm lộ tuyến bằng phương pháp đốt laze? Điều này có ảnh hưởng tới việc mang thai của em không ạ vì năm sau em lập gia đình và muốn có thai luôn. Mong bác sĩ tư vấn giúp em! (Quỳnh Nga, Yên Bái)
Trả lời:
Chào bạn, bệnh viện xin phép trả lời phần câu hỏi của bạn như sau:
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là thương tổn lành tính ở cổ tử cung, do các tế bào tuyến trong ống cổ tử cung xuất hiện ở mặt ngoài cổ tử cung, tăng tiết dịch.
Việc đốt laser sẽ diệt các tuyến lấn ra mặt ngoài cổ tử cung, tạo điều kiện cho biểu mô lát phục hồi, từ đó giảm nguy cơ gây viêm nhiễm phụ khoa về sau. Sau đốt viêm lộ tuyến 8 tuần, cổ tử cung đã được hồi phục hoàn toàn và bạn có thể mang thai lại.
Câu hỏi:
Chào bác sĩ, tôi năm nay 26 tuổi và chuẩn bị lập gia đình. Trước khi mang bầu, tôi nên tiêm những loại vắc-xin nào để đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi. Tôi xin cảm ơn. (Thu Hường, Thanh Hóa)
Trả lời:
Chào bạn! Khi mang thai, hệ thống miễn dịch sẽ suy giảm, cơ thể dễ bị tấn công bởi nhiều bệnh nguy hiểm và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi. Việc tiêm phòng trước khi mang thai sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho bạn và em bé. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng trước mang thai còn cung cấp cho trẻ sơ sinh một lượng kháng thể (miễn dịch) ngắn hạn để bảo vệ bé trong những năm tháng đầu đời, khi bé chưa đủ tuổi để có thể chủng ngừa vắc – xin.
Dưới đây là một số loại vắc – xin mà bạn nên tiêm trước khi mang bầu:
1. Vắc – xin phòng cúm: Tiêm trước khi có thai 1 tháng
2. Vắc xin 3 trong 1 phòng Sởi – Quai bị – Rubella: Tiêm trước khi có thai 3 tháng, không được tiêm nếu có thai
3. Vắc – xin phòng thủy đậu: Tiêm trước khi có thai 3 tháng, không được tiêm nếu biết mình có thai
4. Vắc xin 3 trong 1 phòng Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván
5. Vắc – xin phòng viêm gan B: Tiêm mũi 1 trước khi có thai 7 tháng. Mũi 2 cách mũi 1 một tháng. Mũi 3 cách mũi 1 sáu tháng.
Cần xét nghiệm trước khi tiêm
6. Vắc – xin phòng uốn ván:
Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc phụ nữ trong tuổi sinh đẻ
Mũi 2: Ít nhất 1 tháng sau mũi 1 và tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng
Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc kỳ có thai lần sau
Mũi 4: Ít nhất 1 năm sau mũi 3 hoặc kỳ có thai lần sau
Mũi 5: Ít nhất 1 năm sau mũi 4 hoặc kỳ có thai lần sau
Nên tiêm nhắc lại mũi thứ 6 khi thời điểm tiêm mũi thứ 5 đã trên 10 năm
Câu hỏi:
Chào bác sĩ, con trai tôi năm nay 3 tuổi. Cháu vừa bị tay chân miệng và đã được điều trị khỏi bệnh. Bác sĩ cho tôi hỏi, liệu cháu có thể bị lại bệnh tay chân miêng hay không? Tôi cảm ơn bác sĩ! (Phương Linh, Hải Phòng)
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới bệnh viện. Chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Bệnh tay chân miệng xuất phát từ việc cơ thể nhiễm virus đường ruột. Nếu nhiễm virus coxsackie A16 gây bệnh tay chân miệng, thì bệnh ở thể nhẹ, hầu như không xuất hiện triệu chứng và có thể tự khỏi.
Tuy nhiên, nếu mắc do nhiễm virus enterovirus 71 (EV71) thì bệnh lại ở thể nặng, xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Trong khi đó, mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, do đó người bệnh có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm enterovirus. Vì vậy, trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Và tất cả những người tiếp xúc với trẻ bị tay chân miệng đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Câu hỏi:
Chào bác sĩ, tôi bị viêm gan B và đang mang thai ở tháng thứ 9. Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi có thể nuôi con bằng sữa mẹ được không và làm cách nào để phòng tránh viêm gan B cho bé. Tôi xin cảm ơn! (Thanh Nga, Hà Nội).
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới bệnh viện.
Bạn mắc viêm gan B nhưng vẫn có thể cho con bú nếu ngay sau khi sinh bé được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống virus viêm gan B 100 đơn vị, sau đó được tiêm đầy đủ các mũi vắc – xin viêm gan B áp dụng cho trẻ sơ sinh. Khi trẻ được tiêm chủng ngừa viêm gan B cũng sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm HBV từ tất cả các đường lây nhiễm khác và khả năng bảo vệ trẻ khỏi lây nhiễm viêm gan B là 90%.
Trong thời gian cho con bú, nếu mẹ bị viêm gan B mắc các bệnh như vú nứt cổ gà, chảy máu hay tổn thương vú thì không nên cho con bú trực tiếp vì như thế bé có thể sẽ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết huyết thanh của mẹ. Nên vắt sữa ra và xử lý sữa (đun sôi hoặc chưng cách thủy) trước khi cho bé bú.
Câu hỏi:
Mẹ tôi năm nay 50 tuổi, cách đây 1 tuần có đi khám và phát hiện có 1 khối u tuyến giáp lành tính, kích thước 2 cm. Bác sĩ cho tôi hỏi, với tình trạng khối u hiện tại của mẹ tôi thì phương pháp điều trị nào hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. (Lan Chi, Nghệ An)
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Bệnh viện Hồng Ngọc. Kích thước khối u tại tuyến giáp của mẹ bạn là 2 cm – cũng không phải là kích thước quá lớn và hiện cũng có rất nhiều phương pháp điều trị u lành tuyến giáp như điều trị nội khoa, phẫu thuật, đốt u bằng sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng TATO. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm khác nhau.
Để biết chính xác mẹ bạn phù hợp với phương pháp nào nhất thì bạn nên đưa bác tới bệnh viện để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn.
Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ! Tôi có nhu cầu khám hiếm muộn tại Trung tâm IVF Hồng Ngọc. Bác sĩ cho tôi xin lịch làm việc của trung tâm. (Hồng Ngát, Phú Thọ)
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã quan tâm tới dịch vụ hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Hồng Ngọc. Chúng tôi xin cung cấp thời gian làm việc của Trung tâm IVF như sau: Trung tâm làm việc từ 7h30-17h, xuyên trưa, tất cả các ngày trong tuần trừ chủ nhật.
Để nhận được dịch vụ thăm khám tiện ích nhất, bạn có thể liên hệ đặt lịch khám qua lễ tân, Hotline: 0915 960 139/ 0915 330 016.
Câu hỏi:
Bé nhà tôi được 5 tuổi, cháu thường xuyên bị viêm amidan, tôi muốn tham khảo dịch vụ cắt amidan của bệnh viện. Xin bác sĩ cho biết, cháu có phải lưu viện sau phẫu thuật không và có phải kiêng khem gì không ạ? Tôi xin cảm ơn! (Thanh Tùng, Bắc Ninh)
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã quan tâm tới dịch vụ phẫu thuật cắt amidan của bệnh viện. Hiện tại Bệnh viện Hồng Ngọc áp dụng công nghệ dao Plasma trong phẫu thuật cắt amidan. Đây là công nghệ hiện đại nhất hiện nay, hạn chế tối đa tổn thương và đau đớn cho bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh nhân có thể ăn thức ăn lỏng ngay sau phẫu thuật và ra viện trong vòng 24 giờ sau đó. Bệnh viện Hồng Ngọc đã phẫu thuật cắt amidan bằng dao Plasma thành công cho nhiều bệnh nhi, trong đó có bé mới chỉ 14 tháng tuổi.
Tuy nhiên, để xác định chính xác tình trạng amidan hiện tại của bé, bạn nên đưa con tới bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể hơn.