Câu hỏi:
Bác sĩ cho e hỏi hiện tại e có thai 8 tuần, 2 tuần trước e có bị hắt hơi sổ mũi và ho nhẹ khoảng 10 ngày. Hiện tại đã khỏi. E có biểu hiện vậy có sợ bị cúm hay ảnh hưởng tới em bé không ạ? (Nguyễn Ngọc Mai – Tuần thai: 8 tuần)
Trả lời:
Các triệu chứng trên không đồng nghĩa là mẹ bị cúm ở thời kỳ 8 tuần. Trong quá trình khám thai thì bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra để quản lý tình trạng sức khỏe thai nhi ở mỗi giai đoạn. Vì vậy, mẹ đừng quá lo lắng.
Câu hỏi:
Em có 2 câu hỏi mong được bác sĩ giải đáp ạ. (Nguyễn Thị Thu Hà – Tuần thai: 34)
– Thời điểm tuần thai thứ 33 em có làm xét nghiệm nước tiểu thì chỉ số LEU là 70 tế bào/UL trong khi lúc 29 tuần chỉ số LEU là 15 tế bào/UL thôi ạ. Liệu như vậy có bị nguy hiểm không?. Thêm nữa là dạo gần đây mỗi lần đi tiểu xong e đều bị đau bụng dưới như đau bụng kinh ấy ạ, không đau thắt nhưng âm ỉ một lúc sau mới hết nên e hơi lo ạ.
– Cũng trong tuần thai thứ 33, em đi siêu âm bác sĩ đo bé được 2,5kg rồi bác sĩ bảo to và dặn em hạn chế uống sữa và ăn tinh bột. Bác sĩ cho em hỏi nếu giảm sữa thì em bé sẽ hấp thụ được ít chất hơn đúng không ạ? Nếu không giảm sữa thì có phương pháp nào giúp bé hạn chế tăng cân hơn nhưng vẫn đảm bảo dưỡng chất cần thiết không? Em hay đói thì nên ăn gì vào những bữa phụ để đỡ tăng cân? Em không bị tiểu đường thai kỳ ạ.
Trả lời:
Một số mẹ có thể có LEU trong nước tiểu, nếu không kèm các dấu hiệu khác như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu thường không phải là nhiễm khuẩn tiết niệu, trong đa số các trường hợp không cần điều trị gì. Thai phụ nên uống nhiều nước và có chế độ vận động hợp lí.
Thai gần 33 tuần, em bé nặng khoảng 2100g đến 2200g, trường hợp của mẹ, em bé nặng khoảng 2500g, to hơn so với bình thường 1 chút. Mẹ đã kiểm tra đường huyết bình thường thì có thể điều chỉnh chế độ ăn, giảm đồ ngọt, giảm tinh bột. Cân nặng của con cũng phụ thuộc vào chỉ số nhân trắc học của bố mẹ. Vì thế mẹ cũng không nên quá lo lắng, quan trọng là cả mẹ và bé đều khỏe mạnh là được
Câu hỏi:
Em đang bị bướu nhân tuyến giáp và tiền sử bị cường giáp, hiện tại em vẫn đang duy trì nửa viên PTU, với bệnh như thế thì em uống được vitamin nào ạ, hiện tại em chưa uống loại vitamin nào. ( Nguyễn Thị Thanh – Tuần thai: 10 tuần)
Trả lời:
Hiện tại chưa thấy vitamin tổng hợp có ảnh hưởng đến bệnh nhân cường giáp nên mẹ vẫn duy trì các loại chất cần thiết cho thai kỳ.
Kèm với đó khi mang thai sẽ làm tăng tình trạng cường giáp, nên mẹ cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được tư vấn cụ thể.
Câu hỏi:
Bác sĩ cho em hỏi là em bầu mà bị ra máu ít nhưng nhiều ngày liên tục. Đi khám bác sĩ phát hiện 1 polyp cổ tử cung 1 cm. Liệu polyp này ảnh hưởng gì đến em bé không và có gây sảy thai hay sinh non không ạ. (Nguyễn Ngọc – Tuần thai: 9)
Trả lời:
Theo như mẹ nói của mẹ có polyp cổ tử cung. Hiện tượng ra máu là do Polyp cổ tử cung gây ra, không phải ra máu do hiện tượng sảy thai.
– Nói chung polyp cổ tử cung ít có ảnh hưởng đến thai kỳ và quá trình mang thai, không có xử trí gì trừ trường hợp có biến chứng: polyp chảy máu, hay hoại tử.
– Trong trường hợp polyp chảy máu ít, dùng thuốc điều trị hết chảy máu, mẹ theo dõi thai bình thường. Sau khi sinh xong sẽ xử trí polyp. Nếu polyp hoại tử, chảy máu nhiều thì phải xử trí. Mẹ cần đến khám và làm theo chỉ định của bác sĩ.
– Trường hợp polyp phát triển và to lên, tùy kích thước lúc chuyển dạ và bác sĩ tiên lượng polyp có ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ sinh thường không. Nếu sinh thường sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm thì sẽ chuyển mổ lấy thai.
Câu hỏi:
Bác sĩ cho em hỏi về chỉ số ALT (GPT) của em bị vượt ngưỡng lên tới 48,6 khi em làm xét nghiệm máu cho hồ sơ sinh vào cuối tuần trước thì có đáng lo ngại và cần lưu ý gì không ạ. Em được biết đây là chỉ số về men gan cao, xét nghiệm máu của em trước khi mang bầu thì không có vấn đề gì và em có một thai kỳ cơ bản là ổn và bình thường. Thời gian thai kỳ em chỉ duy trì uống Canxi Ostelin 2v/ngày, dha và vitamin bầu Pregnacare. Thời gian gần đây em chỉ hay bị cảm thấy đầy bụng và ợ hơi nhiều (em cũng từng có tiền sử bị viêm dạ dày và chữa trị xong mới để thả có bầu ạ). Mong bác sĩ giải đáp giúp em. (Vũ Nguyễn Khánh Linh – Tuần thai: 36 tuần)
Trả lời:
Giá trị tham chiếu bình thường của xét nghiệm ALT (GPT) là 0 – 55 U/L, kết quả xét nghiệm của mẹ là 48,6 U/L cũng chưa phải là cao. Nếu cẩn thận thì sau 1 tháng em xét nghiệm kiểm tra lại men gan. Hiện tại với chỉ số xét nghiệm này chưa có gì đáng lo ngại mẹ nhé. Thai của mẹ đã 36 tuần, tử cung to đẩy dần lên phía trên có thể chèn ép vào dạ dày nên mẹ ăn thấy nhanh no, hay ợ hơi. Mẹ nên ăn chia nhỏ bữa, không nên nằm ngay sau ăn. Theo dõi thêm nếu triệu chứng không đỡ thì nên tái khám để bác sĩ xác định chính xác xem tình trạng của em có cần dùng thuốc hỗ trợ không.
Câu hỏi:
Em có tiền sử bị hen phế quản. Dạo gần đây em có dấu hiệu bị lại. Bác sĩ cho em hỏi em có được dùng thuốc xịt như bình thường ko ạ? Nếu ko thì em nên dùng loại thuốc nào? Và bệnh này có ảnh hưởng đến khả năng sinh thường ko ạ? Một vấn đề nữa em đang gặp là tình trạng đi tiểu có màu đục giống như là pha thêm ít nước gạo. Liệu có phải do em uống thừa vitamin ko ạ? Em chỉ uống heramama ngày 1 viên theo liều bác sĩ kê thôi ạ. (Đỗ Trang – Tuần thai: 12)
Trả lời:
Mẹ có tiền sử hen phế quản và dạo gần đây có biểu hiện bị lại, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa nội để đánh giá chức năng hô hấp và chẩn đoán bệnh. |Bác sĩ chuyên khoa nội sẽ căn cứ và tình trạng bệnh của mẹ để quyết định xem mẹ có phải dùng thuốc dự phòng cơn hen không. Bệnh hen phế quản có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ và sinh thường mẹ nhé! Để đánh giá mẹ có thể sinh thường được không phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Về thai, phần phụ của thai và yếu tố quan trọng nữa là sức khỏe người mẹ! Nếu mẹ bị hen phế quản chưa điều trị ổn định, có nguy cơ xuất hiện cơn hen trong khi đang chuyển dạ là rất nguy hiểm!
Mẹ thấy nước tiểu đục, có kèm theo triệu chứng tiểu buốt, tiểu không hết bãi hay sốt không, âm đạo có ra khí hư không? Nước tiểu đục như nước vo gạo mẹ cần được thăm khám và xét nghiệm để loại trừ viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo. Heramama là vitamin tổng hợp, mẹ vẫn có thể dùng được.
Câu hỏi:
Hiện tại em uống buổi sáng 2 viên Canxi – NextG Cal; buổi trưa uống 2 viên sắt –Fe Folic; buổi tối uống 2 viên DHA- Gesta B9. Em hay chóng mặt, đau đầu, xét nghiệm máu tuần 27 có thiếu máu nhẹ. Em ăn ít thịt cá vì hay bị ọe (không nôn nhưng bị vậy không muốn ăn nữa), ăn được nhiều hoa quả, uống sữa. Em thỉnh thoảng tê, chuột rút bắp chân khi ngủ. Em muốn hỏi bác sĩ em uống vitamin bổ sung như vậy có đủ hay phải tăng cường ăn uống, bổ sung chất gì và làm thế nào để hết chóng mặt, đau đầu. Em cảm ơn các bác sĩ. (Minh An – Tuần thai: 30)
Trả lời:
Mẹ đang mang thai 30 tuần, thấy chóng mặt đau đầu cần đến cơ sở y tế thăm khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm để phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh Tiền sản giật, thiếu máu…và một số bệnh lý khác. Tránh được các biến chứng nguy hiểm đáng tiếc. Hiện tại mẹ đang uống bổ sung canxi, sắt và vitamin tổng hợp như vậy là tạm đủ. Để quyết định có phải bổ sung thêm không? Mẹ cần phải được làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng, giúp bác sĩ đưa ra những lời khuyên chính nhất cho tình trạng của mẹ. Vì vậy mẹ nên sớm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản uy tín để thăm khám.
Câu hỏi:
Khoảng 2 tuần vừa rồi đến bây giờ em bị đi ngoài phân màu xanh đen, dạng nát. Hiện tại đang sử dụng VTM TH Elevit, magie B6, DHA, và Canxi dạng nước. Hiện tượng này do nguyên nhân gì và có đáng lo ngại không ạ? Và trong khoảng tuổi thai này, em cần phải làm xét nghiệm hay sàng lọc thêm những gì cho thai nhi ạ (tuần thứ 12 em có làm double test rồi) (Thu Phương – Tuần thai: 25 tuần)
Trả lời:
Trong các loại thuốc mẹ kể có loại thuốc bao gồm vitamin tổng hợp. Thường trong các loại thuốc này có thêm sắt nên có thể sau khi sử dụng, người dùng thuốc sẽ đi ngoài phân xanh đen. Tuy nhiên, nếu mẹ đi nhiều lần, phân lỏng hơn thì có thể do nguyên nhân khác. Mẹ không nói rõ đi bao nhiêu lần, vì vậy nếu số lần đi đại tiện trong ngày nhiều thì nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn chính xác hơn về trường hợp cụ thể của mẹ.
Hiện tại mẹ đã mang thai được 25 tuần, cần được khám và sàng lọc Đái tháo đường thai kỳ ở khoảng tuổi thai 24 – 28 tuần để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi hợp lý. Từ 31 – 32 tuần siêu âm 4D để tầm soát các bất thường về hình thái cho thai: cấu trúc tim, tắc ruột bẩm sinh.
Câu hỏi:
Mình hay bị ngạt mũi, gây ra mất ngủ vào buổi tối. Mình dùng nước muối rửa mũi nhưng không có hiệu quả. Vậy thi thoảng mình có thể sử dụng 1 số loại xịt mũi có trên thị trường như Alaska hay Coldi B không? (Kim Đào – Tuần thai: 21)
Trả lời:
Hai loại thuốc mà mẹ đang dùng là thuốc xịt mũi Aladka và Coldi B đều được khuyến cáo không nên dùng cho phụ nữ có thai. Vì vậy, khi mẹ có những triệu chứng ngạt mũi gây khó chịu thậm chí dẫn đến mất ngủ thì nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để xác định nguyên nhân và điều trị hiệu quả cải thiện giấc ngủ cũng như sức khỏe của mẹ và thai. Tuyệt đối không nên tự dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Câu hỏi:
Em bị rối loạn tiêu hoá. Mặc dù thời điểm này đang nghén không ăn được nhiều món và mỗi lần không ăn được nhiều nhưng mỗi lần đi ngoài đều ra phân lỏng, mỗi ngày từ 1-2 lần, thậm chí hơn nếu em dùng các thực phẩm liên quan đến sữa. Trước khi bầu em cũng hay gặp tình trạng này nhưng em dùng thuốc hoặc men tiêu hoá thì sẽ đỡ. Bây giờ bầu rồi em không biết và cũng không dám dùng gì, sợ ảnh hưởng đến thai. Hiện em khá stress. Mong các bác sĩ tư vấn giúp em nên ăn gì và có thể dùng loại thuốc nào để giảm thiểu tình trạng này không? (Đỗ Trang – Thai 10 tuần)
Trả lời:
Bạn đang có thai 10 tuần hiện tượng nghén là việc dễ gặp phải ở rất nhiều thai phụ. Tình trạng này thường sẽ thuyên giảm sau 12 tuần và gần như hết nghén hoàn toàn sau 14 tuần. Kèm theo nghén, các vấn đề về tiêu hóa cũng cũng khiến cho các thai phụ mệt mỏi: như ăn uống kém, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa… do lượng hormone thai nghén tăng cao ảnh hưởng tới nhu động của ruột. Vì vậy lời khuyên thường được đưa ra cho các thai phụ trong giai đoạn này là ăn uống những đồ dễ ăn, dễ tiêu, chia nhỏ bữa để có thể đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho cả mẹ và thai.
Đồng thời mẹ nên khám thêm chuyên khoa nội tiêu hóa để được loại trừ các bệnh lý nội khoa mắc phải ảnh hưởng tới mẹ và thai.