Hotline: 024 7300 8866

Cấp Cứu Ngoài BV: 1900 636 555

  |  

Câu hỏi thường gặp

Câu hỏi:

Em muốn hỏi trong trường hợp em xác định được ngày rụng trứng và khoanh vùng được ngày trứng gặp tinh trùng thì tuổi thai được tính từ ngày trứng gặp tinh trùng hay ngày đầu tiên của chu ký cuối ạ. Ngoài ra, em mới thử que thử thai, nếu đi khám thai lần đầu tiên thì thời điểm nào là thích hợp nhất ạ? (Đinh Thị Phương Ngọc – Tuần thai: 5 tuần)

Trả lời:

Tuổi thai và tính ngày dự kiến sinh theo quy ước quốc tế được tính theo ngày đầu kỳ kinh cuối, nếu chu kỳ kinh của em đều! Nếu vòng kinh không đều, hoặc không nhớ ngày đầu kỳ kinh cuối thì tính theo siêu âm thai 3 tháng đầu và giai đoạn tính tuổi thai và dự kiến sinh theo siêu âm chính xác nhất thường siêu âm vào lúc tuổi thai 7 – 9 tuần.

Sau khi chậm kinh khoảng 1- 2 tuần em có thể  đi khám để xác định xem có thai hay không, nếu có thai thì xem thai đã về buồng tử cung chưa. Còn khi chậm kinh mà kèm theo các triệu chứng bất thường khác như đau bụng, ra máu thì em nên đi khám ngay.

Câu hỏi:

Em ăn uống bình thường nhưng không ăn được nhiều hơn so với thời kỳ trước mang bầu, cân nặng mẹ vẫn chưa tăng, thậm chí còn giảm 1 kg. Cách đây 3 tuần em có bị cảm lạnh, ho và sốt nhẹ. Khi đi siêu âm thì các chỉ số của con vẫn bình thường. Xin bác sĩ tư vấn có phải lưu ý điều gì không để đảm bảo sức khỏe của mẹ và phát triển của thai nhi ạ? (Hà Nguyễn – Tuần thai: 17 tuần (con thứ 2)).

Trả lời:

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, do tình trạng thai nghén, ít bà bầu tăng cân, nhưng nhìn chung tăng trung bình khoảng 2 kg. Bạn có thể thay đổi chế độ  ăn và ăn chia nhỏ nhiều bữa, bên cạnh đó có thể bổ sung thêm sữa bà bầu để đảm bảo chế độ dinh dưỡng khi mang thai.

Với 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ:

–     Đối với phụ nữ cân nặng bình thường trước mang thai : sự tăng cân hợp lí nên duy trì khoảng 0.4 kg/ tuần

–     Đối với phụ nữ cân nặng thấp hơn: Mức tăng cân nên duy trì 0.5 kg/ tuần.

–     Đối với phụ nữ thừa cân trước đó: Mức tăng cân nên hạn chế, khoảng 0,3 kg/tuần.

Mức tăng cân hợp lý phụ thuốc vào mỗi thai phụ khác nhau. Tùy vào cân nặng trước mang thai bạn có thể thay đổi chế độ ăn và ăn chia nhỏ nhiều bữa, bên cạnh đó có thể bổ sung thêm sữa bà bầu để đảm bảo chế độ dinh dưỡng và tăng cân hợp lý khi mang thai.

Hiện tại thai của bạn được 17 tuần, cách đây 3 tuần là 14 tuần, khi đó thai đã qua quý đầu tiên và bạn cũng chỉ có biểu hiện ho sốt nhẹ nên bạn cũng không cần quá lo lắng. Bạn cứ khám thai đầy đủ theo các mốc bác sĩ hẹn để theo dõi quá trình phát triển của thai nhé!

Câu hỏi:

Thai giáo có thực sự hữu dụng với thai nhi không ạ? Em xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Hồng Tươi – Tuần thai: 6)

Trả lời:

Thai giáo là sự tổng hợp các phương pháp giáo dục thai nhi được bắt đầu từ lúc mang thai để dưỡng thai, giúp thai nhi trong bụng phát triển đầy đủ các tiềm năng về thể lực và trí tuệ.

Thai giáo được bố mẹ áp dụng nhằm:

– Tạo ra một môi trường tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi cả trong và ngoài cơ thể người mẹ

– Giúp bé phát triển trí não toàn diện từ trong bụng mẹ, phát triển ngôn ngữ phản xạ và tăng chỉ số cảm xúc ở trẻ.

– Tạo mối liên kết tình cảm giữa bố mẹ và em bé

– Trang bị những kiến thức trong việc nuôi và dạy thai nhi, làm cơ sở khai mở và tạo tiền đề cho giáo dục trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ngoài ra, phương pháp thai giáo còn có tác dụng phát triển về sau cho trẻ như:

– Phát triển ngôn ngữ ở trẻ

– Tăng chỉ số IQ nhờ có bố mẹ giúp phát triển nhận thức sớm

– Trẻ phản xạ tốt hơn

– Thai giáo làm tăng chỉ số cảm xúc ở trẻ, giúp trẻ tăng khả năng nhận thức, hiểu và truyền đạt sau này

– Liên kết tình thân giữa bố mẹ và thai nhi

– Giảm nguy cơ trầm cảm ở mẹ bầu

Vì vậy, thai giáo là việc làm cần thiết và rất tốt cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ cũng nên tìm hiểu kỹ, lựa chọn đúng phương pháp thai giáo cho con.

Câu hỏi : 

Thời kỳ này em bị ốm nghén, hay bị nôn ói, có khi ngày 2 -3 lần, người hay cảm thấy mệt và chóng mặt, em nên bổ sung vitamin và khoáng chất gì trong thời kỳ này ạ! Và có lưu ý gì đặc biệt trong thời kì này không ạ? Mong nhận được tư vấn từ bác sĩ ạ (Vân Anh – Tuần thai: 8 tuần)

Trả lời:

 Hiện tại tuổi thai của em là 8 tuần tức đang trong quý đầu của thai kỳ thì việc nôn nghén là một hiện tượng xảy ra ở rất nhiều phụ nữ mang thai giai đoạn này. Tình trạng nôn nghén mệt mỏi chóng mặt này sẽ giảm dần sau 12 tuần và gần như hết hẳn sau 14 tuần. Sau đó em sẽ thấy cơ thể nhẹ nhàng, khỏe khoắn hơn, ăn ngon miệng hơn.

Trong giai đoạn 3 tháng đầu, việc bổ sung quan trọng nhất là acid folic giúp hình thành và phát triển hệ thần kinh của bé cũng như ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh. Hàm lượng acid folic được khuyến cáo bổ sung trong giai đoạn này là 600mcg/ ngày. Em có thể bổ sung thông qua ăn uống từ những thực phẩm giàu acid folic ( thịt, cá, rau chân vịt, đậu bắp, măng tây, củ cải, chuối, cam, bưởi….) hoặc uống các thuốc bổ tổng hợp cho thai kỳ: Obimin, Procare….

Câu hỏi:

Em mới đi siêu âm, có làm xét nghiệm nước tiểu, thì bị ngộ độc thai nghén do thừa muối. Bác sĩ cho em hỏi làm cách nào để khắc phục và bị như thế có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ? (Trịnh Thị Mai Hương – Tuần thai: 8)

Trả lời:

Ngộ độc thai nghén là thuật ngữ sản khoa có ý nghĩa ám chỉ quá trình thai nghén gây độc lên cơ thể người mẹ.Thuật ngữ này hiện tại không còn được sử dụng phổ biến, mà được thay thế bằng bằng những thuật ngữ “tăng huyết áp thai kỳ – tiền sản giật – sản giật”. Tình trạng này thường xảy ra sau 20 tuần thai.

Hiện tại tuổi thai của em mới 8 tuần. Chỉ siêu âm và xét  nghiệm nước tiểu thì không thể nào biết được em có thừa muối hay không. Em nên đến thăm khám để bác sĩ tư vấn cụ thể tình trạng của em và thai nhi.

Câu hỏi:

Mình mang thai bị trĩ khá nặng, trước đi vệ sinh hay bị lòi búi trĩ ra, nhưng ấn lại vào là được. Nhưng mấy nay bị nặng, búi trĩ ngay sát ngoài hậu môn, dù đã ấn lại vào nhưng vẫn bị đau. Cho mình hỏi đang bầu thì có thể dùng thuốc gì để giảm triệu chứng sưng đau của trĩ?. Và sau khi đẻ bao lâu thì mình có thể đi phẫu thuật cắt trĩ, việc phẫu thuật có ảnh hưởng gì đến việc cho con bú không? (Lê Thị Thuỳ Linh – Tuần thai: 34)

Trả lời:

Tình trạng trĩ của mẹ nên được thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ ngoại khoa đánh giá mức độ trĩ và đưa ra cách điều trị phù hợp.

Câu hỏi:

Cho em hỏi tầm tuổi thai này của em em có thể uống 1 cốc bia nhỏ trong các bữa ăn được không, (em nghe nói tầm này uống bia sinh con sạch) và em có thể ăn/ uống nước ép dứa hàng ngày được không? Em hay gặp tình trạng bị chuột rút ở bàn chân và bắp chân thì có gì có thể khắc phục được không ạ? (Phí Thị Chi – Tuần thai: 37)

Trả lời:

Theo các khảo sát, uống một cốc Bia nhỏ mỗi ngày sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn, chứa một số khoáng chất và vitamin (canxi, sắt, kẽm, vitamin B…)

Tuy nhiên, Bia cũng có tác động 2 mặt đến sức khỏe. Mặc dù sử dụng một lượng Bia nhỏ có tác dụng có lợi nhưng uống nhiều thì có những tác dụng tiêu cực tới sức khỏe.

Nước ép dứa cũng rất tốt cho sức khỏe thai phụ.

Tình trạng chuột rút ở bàn chân và bắp chân: chuột rút ở phụ nữ mang thai là hiện tượng phổ biến, các cơn đau diễn ra thường xuyên hơn và đau hơn khi Thai lớn dần. Một số nguyên nhân được chỉ ra như: tăng can của mẹ bầu trong Thai kì, tử cung to chèn ép lên tăng áp lực lên các mạch máu chính, mất nước, thiếu canxi.

Vậy nên mẹ có thể cải thiện: vận động nhẹ nhàng, co duỗi bắp chân, tránh làm việc mệt nhọc, thực hiện massage nhẹ nhàng vùng đùi đến bắp chân, bàn chân, gác chân lên gối mềm, bổ sung lượng canxi ~ 1000 – 1500 mg canxi nguyên tố/ ngày, uống nhiều nước.

Câu hỏi:

Bác sĩ cho em hỏi là mang bầu có được uống thêm vitamin e và dầu cá omega 3 không ạ? (Vũ Dung – Tuần thai: 5)

Trả lời:

Vitamin E và thai kỳ được liên kết với nhau. Một lượng vitamin E đầy đủ có lợi cho cả mẹ và thai nhi. Vitamin E đóng vai trò trong sự phát triển ban đầu của hệ thống thần kinh phôi thai, vitamin E cải thiện lưu thông máu ở mẹ do đó tuần hoàn máu ở thai nhi cũng sẽ tốt hơn. Liều vitamin E cao có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ như tăng khả năng dị tật ở thai nhi, tăng khả năng chảy máu, tăng nguy cơ tiền sản giật, hạn chế tăng trưởng trong tử cung, do đó không nên tự ý bổ sung vitamin E khi đang mang thai.

Một phụ nữ mang thai không nên dùng quá 15 mg vitamin E / ngày. Trong trường hợp cần bổ sung thuốc chứa vitamin E thì phải có sự hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ. Thay vào đó mẹ có thể bổ sung bằng thực phẩm giàu vitamin E trong chế độ ăn như: các loại rau lá xanh (bông cải xanh, cải bắp), các loại hạt (đậu phộng, hạt hạnh nhân, hạt hướng dương), dầu thực vật, ngũ cốc ăn sáng, bơ thực vật, nước ép trái cây, trứng.

Omega 3 là một acid béo không no thiết yếu cho cơ thể, Omega 3 gồm 3 loại chủ yếu là EPA, DHA, DPA, cơ thể không thể tự tổng hợp và tạo ra omega 3 được vì vậy mọi người cần bổ sung Omega 3. Ở phụ nữ có thai, Omega 3 đóng vai trò quan trọng trong phát triển não và chức năng não ở bào thai, trong đó, DHA thiết yếu cho phát triển thị lực và thần kinh ở trẻ. DHA được kết hợp chặt chẽ với mô thần kinh của thai trong tử cung cho đến lúc chào đời.

Omega 3 có chứa trong một số loại cá, hải sản, đặc biệt những loại cá béo, các loại thịt động vật. Thai phụ có thể bổ sung Omega 3 từ những nguồn thực phẩm thiên nhiên này. Phụ nữ mang thai được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) khuyên mỗi tuần nên ăn tối đa 340 gram các loại cá và động vật có vỏ ít thủy ngân như tôm, cá ngừ ánh sáng đóng hộp, cá hồi, cá minh thái, cá da trờn. Nếu không ăn đủ cá và hải sản thì có thể bổ sung thêm Omega 3.

Liều dùng khuyến cáo cho phụ nữ mang thai chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu acid béo và lipit (SSFAL) khuyến nghị phụ nữ mang thai cần bổ sung tối thiểu 200 mg DHA mỗi ngày, Hiệp hội an toàn thực phẩm Châu âu (EFSA) khuyến nghị phụ nữ mang thai cần bổ sung 350-450 mg EDA+ DHA mỗi ngày. Vì vậy, em nên xem trong thành phần thuốc của mình có hàm lượng omega 3 là bao nhiêu.

Ngoài ra, trên thị trường một số thuốc dạng dầu cá chứa Omega 3 thường kèm theo các vitamin A và D. Với loại này mẹ không nên tự ý uống vì uống quá nhiều liều vitamin A sẽ gây ra nhiều nguy hại cho thai nhi. Ngoài ra khi mang thai, bác sĩ sẽ thường kê vitamin và khoáng chất cho thai phụ, mẹ xem trong các thuốc này đã có thành phần Omega3 chưa nhé. Tốt nhất, mẹ nên tham khảo trực tiếp về loại thuốc định uống với bác sĩ theo dõi và thăm khám cho mình.

Câu hỏi:

Bác sĩ cho e hỏi từ lúc có thai em đã dừng uống tất cả các loại thuốc, hiện tại em đang uống sắt, vitamin, bổ sung thêm canxi, chồng em có mua cho em một hộp thuốc dạng viên mắt cá Omega 3 từ hôm mua mà em chưa dám uống. Liệu em có uống bổ sung Omega 3 được không ạ? (Nguyễn Thị Ngọc – Tuần thai: 17 tuần)

Trả lời

Omega 3 là một acid béo không no thiết yếu cho cơ thể, Omega 3 gồm 3 loại chủ yếu là EPA, DHA, DPA, cơ thể không thể tự tổng hợp và tạo ra omega 3 được vì vậy mọi người cần bổ sung Omega 3. Ở phụ nữ có thai, Omega 3 đóng vai trò quan trọng trong phát triển não và chức năng não ở bào thai, trong đó, DHA thiết yếu cho phát triển thị lực và thần kinh ở trẻ. DHA được kết hợp chặt chẽ với mô thần kinh của thai trong tử cung cho đến lúc chào đời. Omega 3 có chứa trong một số loại cá, hải sản, đặc biệt những loại cá béo, các loại thịt động vật. Thai phụ có thể bổ sung Omega 3 từ những nguồn thực phẩm thiên nhiên này.

Phụ nữ mang thai được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) khuyên mỗi tuần nên ăn tối đa 340 gram các loại cá và động vật có vỏ ít thủy ngân như tôm, cá ngừ ánh sáng đóng hộp, cá hồi, cá minh thái, cá da trơn. Nếu không ăn đủ cá và hải sản thì có thể bổ sung thêm Omega 3. Liều dùng khuyến cáo cho phụ nữ mang thai chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia khác nhau.

Chẳng hạn, Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu acid béo và lipit (ISSFAL) khuyến nghị phụ nữ mang thai cần bổ sung tối thiểu 200 mg DHA mỗi ngày, Hiệp hội an toàn thực phẩm Châu âu (EFSA) khuyến nghị phụ nữ mang thai cần bổ sung 350-450 mg EDA+ DHA mỗi ngày.

Vì vậy, em nên xem trong thành phần thuốc của mình có hàm lượng omega 3 là bao nhiêu. Ngoài ra, trên thị trường một số thuốc dạng dầu cá chứa Omega 3 thường kèm theo các vitamin A và D. Với loại này mình không nên tự ý uống vì uống quá nhiều liều vitamin A sẽ gây ra nhiều nguy hại cho thai nhi. Và như mẹ đã nói đang uống sắt, vitamin và canxi. Mẹ xem trong thành phần các thuốc này đã chứa hàm lượng Omega 3 cần thiết cho phụ nữ mang thai chưa nhé.

Tốt nhất, trước khi dùng bất cứ thuốc gì, mẹ nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ thăm khám và theo dõi trực tiếp thai kỳ cho mình. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Câu hỏi:

Bác sĩ cho e hỏi hiện tại em bị sổ mũi, không ho k sốt. Em có biểu hiện vậy có sợ bị cúm hay ảnh hưởng tới em bé không ạ? (Phạm Thị Xuân – Tuần thai: 14 tuần)

Trả lời:

Các triệu chứng trên không đồng nghĩa là bạn bị cúm. Nhưng mẹ nên đi khám ngay để loại trừ bệnh cúm và hen suyễn (vì cúm và hen suyễn có thể ảnh hưởng đến thai nhi). Trong quá trình khám thai thì bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra để quản lý tình trạng sức khỏe thai nhi ở mỗi giai đoạn. Vì vậy, mẹ cũng không cần quá lo lắng.