Hotline: 024 7300 8866

Cấp Cứu Ngoài BV: 1900 636 555

  |  

Câu hỏi thường gặp

Câu hỏi:

Em đi khám thì bị viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3, thỉnh thoảng vẫn bị ra máu. Trước khi có thai 3 tuần e có đi khám thì được kê đặt thuốc canvey. Sau đó thì biết mình có thai thì đã dừng.  Khi đi khám ở tuần thai thứ 5 bác sĩ đã kê cho e thuốc để đặt.Em muốn hỏi trong thời gian mang thai cứ phải đặt suốt như vậy ạ. Hoặc có cách gì để cải thiện và bác sĩ có thể tư vấn giúp e được không. Thực sự e rất hoang mang. Em xin cám ơn! (Lê Thảo Linh – Tuần thai: 7 tuần 2 ngày)

Trả lời:

Viêm lộ tuyến độ 3 là tình trạng viêm chiếm 70% diện tích cổ tử cung, tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng như: chảy máu khi quan hệ tình dục, ra nhiều khí hư, khí hư vàng, có mùi hôi, chảy máu âm đạo bất thường…, việc điều trị bao gồm đặt thuốc và đốt diệt tuyến tử cung sau khi hết viêm.

Đối với phụ nữ khi mang thai có viêm lộ tuyến điều trị sẽ phức tạp hơn do bác sĩ vừa phải cân nhắc điều trị cho mẹ và cân nhắc việc ảnh hưởng đến thai nhi, đối với các trường hợp viêm lộ tuyến khi mang thai việc điều trị là cần thiết, nên điều trị bằng thuốc đường uống hoặc đường đặt vì nếu không điều trị có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và quá trình sinh.

Ở trường hợp của em khi bác sĩ kê thuốc đã dựa trên tình trạng mẹ và thai nhi để kê đơn nên mình cũng không cần quá lo lắng, em nên sử dụng thuốc theo đúng đơn thuốc và thăm khám theo hẹn, ngoài ra mình có thể cải thiện bằng việc vệ sinh vùng kín sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn và khám thai định kỳ thường xuyên để có thể phát hiện những bất thường, không tự ý dùng thuốc vì có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Sau sinh em nên đi khám lại để được điều trị triệt để tình trạng viêm. Chúc em có một thai kỳ khỏe mạnh.

Câu hỏi:

Ngày đầu tiên của chu kỳ cuối của em là ngày 27/1, đến ngày 10/2 thì em bị ra máu kéo dài 3 ngày (ra máu tươi giống như những ngày cuối ra máu kinh). Sau khi hết ra máu thì em đi khám và siêu âm đầu dò tại Hồng Ngọc. Kết quả mọi thứ bình thường, âm đạo & tử cung buồng trứng không có dấu hiệu tổn thương hay u xơ, polyp. Do đang thả bầu nên em rất lo lắng liệu việc ra máu này có ảnh hưởng gì đến việc thụ thai không ạ? (Hoàng Thị Hoài Thu – Tuổi: 29)

Trả lời:

Tình trạng của em liên quan đến việc ra máu giữa chu kỳ, đây được xem là chảy máu âm đạo bất thường. Ra máu âm đạo bất thường bao gồm nhiều nguyên nhân như: rối loạn quá trình rụng trứng, u xơ tử cung, polyp tử cung, rối loạn đông máu, sử dụng thuốc nội tiết, sử dụng các biện pháp tránh thai, sẩy thai, thai ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung, viêm nhiễm đường sinh dục….

Nếu như em đã đi khám và làm các xét nghiệm bình thường thì có thể do chu kỳ này kinh nguyệt của em đang rối loạn một chút thôi, mình cũng không nên quá lo lắng mà hãy theo dõi các chu kỳ kế tiếp xem kinh nguyệt đã trở về bình thường chưa, để thuận lợi cho việc thụ thai thì em nên giữ tinh thần thoải mái, bổ sung acid folic và dinh dưỡng đầy đủ, quan hệ tình dục đều đặn và nếu xuất hiện tình trạng ra máu bất thường em nên đến khám và làm xét nghiệm lại để được các bác sĩ tư vấn chi tiết hơn.

Câu hỏi: 

Em bị đại tràng từ trước khi bầu, dạo gần đây thỉnh thoảng có bị đau âm ẩm bụng dưới. Bác sĩ cho em hỏi là bầu có đi khám đại tràng được không ạ? (Phạm Thu Trang – Tuần thai: 20)

Trả lời:

Nội soi đại tràng là thủ thuật có thể thực hiện trên phụ nữ mang thai. Tuy nhiên , nếu chưa cấp thiết thì nên thực hiện sau khi sinh. Em nên đến khám ở cơ sở y tế và trình bày các triệu chứng cũng như mong muốn để được bác sĩ tư vấn dựa trên cơ sở đánh giá mức độ cấp thiết của bệnh.

Câu hỏi:

Em có 2 câu hỏi ạ (Phạm thị kim Oanh – Tuần thai: 11)

–  Mùng 5 Tết em có đi siêu âm thì thấy có vách ngăn buồng tử cung (vách ngăn không sâu). Bác sĩ cho em hỏi vách ngăn này có ảnh hưởng đến thai nhi cũng như sức khoẻ của em không ạ.

–  Bác sĩ cho em hỏi ở tuần 11 thai kỳ có thể thấy tim thai bằng cách sờ tay vào bụng không ạ?

Trả lời:

Vách ngăn tử cung có thể làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, nhất là khi bạn có thêm có yếu tổ khác như cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung… ngoài ra có thể làm tăng nguy cơ ngôi ngược, mổ lấy thai, biến chứng chảy máu sau sinh. Chính vì vậy bạn nên khám thai định kỳ đúng ngày và cho bác sĩ biết tình trạng tử cung của mình sẽ tốt hơn.

Ở tuần 11 thai kỳ không thể thấy tim thai bằng cách sờ tay vào bụng mà bạn phải đi khám và thăm khám qua siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai.

Câu hỏi:

Em bị viêm âm đạo do tạp khuẩn, đã khám ở bệnh viện và điều trị 2 lần nhưng chưa dứt điểm. Trong thời gian mang thai vẫn ra nhiều dịch trắng, thi thoảng màu vàng. Bác sĩ cho em xin tư vấn như vậy có ảnh hưởng tới thai nhi không ạ và mức độ như thế nào ạ? (Mai Thị Xuyến – Tuần thai: 22 tuần 3 ngày)

 Trả lời:

Trong quá trình mang thai, khí hư sẽ nhiều hơn bình thường và khí hư màu trắng trong đó là hiện tượng sinh lý bình thường, em có thể thay quần lót 2 lần / ngày để đỡ cảm thấy khó chịu. Nhưng khi khí hư có màu vàng hoặc xanh kèm theo hiện tượng ngứa âm đạo thì em cần phải đi khám xem mình có bị viêm âm đạo hay không và viêm do nguyên nhân gì.

Viêm âm đạo thường ít khi ảnh hưởng đến thai nhi, tuy nhiên trong trường hợp viêm âm đạo do lậu cầu, giang mai, sùi mào gà thì có thể lây cho em bé giai đoạn mang thai và khi sinh. Em nên đến khám để bác sĩ tư vấn cụ thể.

Câu hỏi:

Em đang sử dụng vitamin bầu Elevit, canxi Ostelin và DHA. Các loại này dùng hơi nóng và bị táo. Em có thể sử dụng thêm tảo Nhật để bớt nóng và táo không ạ? Liều dùng nên là bao nhiêu? Trên mạng nói liều dùng bình thường cho người lớn là 30v/ngày ạ. (Đỗ Thanh Huyền – Tuần thai: 19)

Trả lời:

Trong quá trình mang thai nếu em bị táo bón thì có thể ăn uống những thực phẩm tự nhiên thì sẽ là tốt nhất. Em nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, có thể uống 2-3 quả cam / ngày để tránh táo bón. Hạn chế dùng các loại thuốc ngay cả thực phẩm chức năng để tránh tác dụng phụ của thuốc , vì nghiên cứu các thuốc thực phẩm chức năng trên người mang thai còn nhiều hạn chế, chưa được xác minh rõ ràng.

Câu hỏi:

Em chuẩn bị kết hôn và có kế hoạch sinh em bé luôn, do cũng nhiều tuổi và sinh lần đầu nên xin hỏi bác sĩ tư vấn giúp em  nên cần chuẩn bị và chú ý những gì ạ? (Lê Thị Thu Thảo – Tuổi: 35)

Trả lời:

Chào bạn, hiện nay bạn 35 tuổi, cũng là giới hạn cao trong độ tuổi sinh đẻ. Để chuẩn bị mang thai trong giai đoạn này, bạn cần thăm khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản trước mang thai xem có vấn đề gì về sức khỏe không. Khi đã mang thai bạn nên thăm khám sớm và theo dõi thai định kỳ theo đúng chỉ định của bác sỹ, đồng thời bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình mang thai để giúp cho mẹ và con đều mạnh khỏe.

Câu hỏi:

Bao nhiêu tuổi mang thai là tốt nhất ạ? (Nguyễn Hồng Chúc – Tuổi: 22)

Trả lời:

Phụ nữ từ 20 – 35 tuổi là độ tuổi mang thai tốt nhất vì khi mang thai sẽ hạn chế các rủi ro, biến chứng thường gặp trong thai kỳ như mang thai ngoài tử cung, tiền sản giật, nguy cơ thai chết lưu và dọa sảy thai. Chất lượng trứng trong giai đoạn này cũng tốt hơn, cơ hội mang song thai, đa thai cũng chiếm tỉ lệ cao hơn.

Tỉ lệ noãn bất thường tăng dần theo tuổi gây giảm khả năng có thai, tăng khả năng sảy thai và tăng các bệnh lý ở trẻ sinh ra sau này. Việc suy giảm chất lượng buồng trứng ở phụ nữ là quá trình tự nhiên, không thể hồi phục. Một số bệnh lý và yếu tố môi trường có thể làm quá trình suy giảm buồng trứng xảy ra nhanh hơn bình thường dẫn đến khó có thai tự nhiên.

Vì thế, nếu bạn có ý định sinh con, thì từ 20 – 35 tuổi sẽ là khoảng thời gian phù hợp. Ngoài ra, vấn đề mang thai và sinh con thời điểm nào sẽ là tốt nhất còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình.

Câu hỏi:

Em có xét nghiệm máu, chỉ số bạch cầu cao 10,58 G/L và chỉ số bạch cầu trung tính cao 7.8. Bác sĩ có chỉ định cho em uống zinnat 500mg. Dù em có đọc đây là thuốc kháng sinh dùng được cho bà bầu chống nhiễm khuẩn nhưng em rất lo và không biết có ảnh hưởng gì đến e bé không ạ. Có cách nào để giảm chỉ số này mà không cần uống thuốc không ạ. Mong được bác sĩ tư vấn cho em ạ. (Hoàng Anh – Tuần thai: 9)

Trả lời:

Chỉ số bạch cầu người bình thường là từ 4-10 G/l. Kết quả của em là 10.58 G/l, có tăng nhẹ hơn so với bình thường một chút. Thông thường chỉ số này tăng khi xuất hiện viêm nhiễm ở cơ quan nào đó: da, phổi, tiết niệu, âm đạo….Khi xuất hiện  tăng chỉ số này các bác sỹ sẽ tìm nơi nhiễm khuẩn, nếu có sẽ sử dụng kháng sinh để điều trị. Với phụ nữ mang thai hay gặp nhất là viêm âm đạo, nhiễm khuẩn tiết niệu. Em cần kiểm tra lại kỹ những cơ quan này. Nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Câu hỏi:

Hiện em chỉ đang uống Blackmore bầu, bắt đầu ở tuần thai thứ 12 em có cần bổ sung thêm sắt hay canxi thêm không ạ? (Lê Việt Trinh – Tuần thai: 14)

Trả lời:

Trong Blackmore có các thành phần vitamin tổng hợp cần cho bà bầu, trong đó có cả sắt và canxi. Lượng sắt và canxi bổ sung khi mang bầu còn phụ thuốc vào chế  độ ăn. Tốt nhất em nên đi khám và bác sĩ sẽ hướng dẫn em sử dụng sắt và canxi hợp lý.