Câu hỏi:
Hôm qua em đi siêu âm, bé được 1,2kg. Bác sĩ nói là hơi bé nhưng vẫn trong khả năng chấp nhận được. Em đã cố gắng: uống sữa tươi không đường 2 hộp/ ngày, uống ngũ cốc, ăn uống đa dạng nhưng bé chưa cải thiện nhiều về cân nặng. Vậy bác sĩ cho em hỏi: mẹ ăn gì để vào con nhiều hơn? Và làm sao để con tăng cân nhanh hơn ạ? (Nguyễn Thu Hằng – Tuần thai: 29 tuần)
Trả lời:
Siêu âm ước lượng cân nặng thai là chỉ số tương đối để đánh giá sự phát triển của thai. Ngoài ra còn dựa theo các chỉ số khác. Sai số có thể +/- 200 gram.
Quan trọng các chỉ số theo dõi tăng trưởng đều tăng đều, rau ối đảm bảo sự phát triển của thai nhi là mẹ có thể yên tâm phần lớn rồi. Mẹ bầu nên ăn uống cân đối dinh dưỡng, ngủ nghỉ đầy đủ để có sức khỏe tốt.
Câu hỏi:
Trước khi mang thai em có 1 u xơ tuyến vú lành tính kích thước tầm 3cm và 1 vài nang nhỏ khi mang thai 7 tuần e có đi khám lại thì có thấy kích thước u xơ to hơn bình thường chút. Bác sỹ tư vấn giúp em u xơ này có ảnh hưởng nhiều đến việc cho con bú và có phương hướng nào để giải quyết không ạ? (Ngọc Ánh – Tuần thai: 30)
Trả lời:
U xơ tuyến vú lành tính là hiện tượng tăng sinh quá mức kiểm soát của các tế bào tuyến vú, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những tế bào này tập trung tạo nên các khối u mà không có chức năng gì. Thông thường, mẹ có thể sờ thấy một khối cứng, bề mặt nhẵn, thường không đau và dễ dàng di chuyển dưới da khi được kiểm tra.
Nếu trường hợp của chị Ngọc Ánh đã thăm khám và phát hiện khối u trước mang thai, đã được kiểm tra và bác sĩ kết luận là khối u lành tính. Và hiện tại không có triệu chứng gì bất thường thì chị vẫn theo dõi thai và khám vú định kỳ, thăm khám lại ngay khi vú có biểu hiện bất thường.
Khi mang thai dưới tác dụng của nội tiết, mô vú phát triển hơn nên chị có thể cảm giác khối u to lên. U xơ vú lành tính thường ít ảnh hưởng nhiều đến việc tiết sữa và cho con bú. Sau sinh chị Ngọc Ánh nên đi kiểm tra vú, đánh giá lại tình trạng khối u để có biện pháp điều trị thích hợp.
Câu hỏi:
Lúc chậm kinh được 3 ngày em đi siêu âm thì bác sĩ chỉ em mua hộp acid folic về uống. Mà em thấy mấy chị cứ bảo mua Elevit rồi DHA và sắt mà uống thêm. Vì vợ chồng em cả hai đều nhỏ nên em cũng sợ, muốn mua uống để bổ sung thêm vào cho con. Nhưng cũng chưa được sự hướng dẫn của bác sĩ nên cũng chưa dám uống lung tung. Mong bác sĩ cho em lời khuyên. (Phạm Thị Dung – Tuổi thai: 5 tuần)
Trả lời:
Phụ nữ mang thai có nhu cầu về dinh dưỡng và năng lượng cao hơn so với người bình thường. Vitamin và khoáng chất là các thành phần thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai. Bổ sung đầy đủ các chất khi mang thai sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Trong đó bao gồm:
– Canxi: cần thiết cho việc hình thành xương và răng ở thai nhi. Nhu cầu canxi ở phụ nữ mang thai khoảng 800 – 1000mg mỗi ngày. Canxi có nhiều trong tôm, cua, sữa, cá, đậu, phomai. Ngoài việc bổ sung canxi qua chế độ ăn, thai phụ có thể sử dụng thêm sữa hoặc các viên uống canxi.
– Acid folic (vitamin B9): thiếu acid folic ở phụ nữ mang thai có thể dẫn tới thiếu máu hồng cầu to, thiếu cân ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trong 3 tháng đầu bổ sung acid folic để ngăn các rối loạn ống thần kinh. Acid folic có nhiều trong gan, rau có màu xanh đậm, mầm lúa mì, lòng đỏ trứng, nước cam. Nhu cầu acid folic ở phụ nữ mang thai khoảng 400mcg/ ngày, nên bổ sung trước mang thai 3 tháng
– Sắt: cần thiết cho quá trình tạo máu và nhân tế bào, thiếu sắt dẫn tới thiếu máu thiếu sắt, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển oxy ở cả mẹ và thai nhi, tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng hậu sản, làm mất cảm giác ngon miệng… Sắt có trong thịt, cá, lòng đỏ trứng, rau có lá màu xanh đậm, phụ tạng động vật. Phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 60mg sắt/ ngày trong suốt thời gian mang thai và sau sinh 1 tháng.
– Omega 3 là một acid béo không no thiết yếu cho cơ thể, Omega 3 gồm 3 loại chủ yếu là EPA, DHA, DPA, cơ thể không thể tự tổng hợp và tạo ra omega 3 được vì vậy mọi người cần bổ sung Omega 3. Ở phụ nữ có thai, Omega 3 đóng vai trò quan trọng trong phát triển não và chức năng não ở bào thai, trong đó, DHA thiết yếu cho phát triển thị lực và thần kinh ở trẻ. DHA được kết hợp chặt chẽ với mô thần kinh của thai trong tử cung cho đến lúc chào đời. Omega 3 có chứa trong một số loại cá, hải sản, đặc biệt những loại cá béo, các loại thịt động vật. Thai phụ có thể bổ sung Omega 3 từ những nguồn thực phẩm thiên nhiên này.
Phụ nữ mang thai được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm ( FDA) khuyên mỗi tuần nên ăn tối đa 340 gram các loại cá và động vật có vỏ ít thủy ngân như tôm, cá ngừ ánh sáng đóng hộp, cá hồi, cá minh thái, cá da trơn. Nếu không ăn đủ cá và hải sản thì có thể bổ sung thêm Omega 3. Liều dùng khuyến cáo cho phụ nữ mang thai chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu acid béo và lipit ( ISSFAL) khuyến nghị phụ nữ mang thai cần bổ sung tối thiểu 200 mg DHA mỗi ngày, Hiệp hội an toàn thực phẩm Châu âu ( EFSA) khuyến nghị phụ nữ mang thai cần bổ sung 350-450 mg EDA+ DHA mỗi ngày
Ngoài ra còn nhiều vitamin cần thiết khác trong thời gian mang thai
Do đó, việc bổ sung sắt, canxi, acid folic, dha đều cần thiết, tuy nhiên sẽ tùy vào chế độ dinh dưỡng mà sẽ có tư vấn cụ thể nên bổ sung sắt, canxi và acid folic, dha với liều lượng và cách sử dụng hợp lý như thế nào, không nên tự ý bổ sung vì đôi khi có nhiều loại thuốc kết hợp nhiều thành phần với nhau, nếu mình không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dẫn đến việc bổ sung quá nhiều, không cần thiết gây tốn kém và gây hại cho mẹ và thai nhi. Do đó, em nên khám thai định kỳ và trao đổi trực tiếp vấn đề này với bs thăm khám.
Câu hỏi:
Em được dặn canxi phải uống cách sắt tối thiểu 2 giờ, canxi không uống cùng vitamin C. Nhưng đó là áp dụng với thuốc thôi đúng không ạ? Nếu em uống sắt xong uống sữa tươi thì có được không? Hoặc uống canxi xong ăn cam có sao không? (Thu – Tuần thai: 30)
Trả lời:
Canxi và sắt là hai chất vô cùng quan trọng với phụ nữ mang thai, việc uống sắt và canxi cùng lúc sẽ làm cản trở khả năng hấp thu chất. Thời điểm bổ sung lý tưởng canxi là vào buổi sáng do buổi sáng bạn có thể tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhiều hơn cũng như việc uống canxi vào buổi tối hoặc chiều sẽ làm lắng đọng canxi gây ra các bệnh lý như sỏi thận, táo bón.
Khi bổ sung sắt, bạn cần lưu ý là không dùng thuốc sắt cùng thời điểm với sữa, canxi hay thực phẩm giàu canxi vì canxi làm cản trở khả năng hấp thu sắt. Sắt là dưỡng chất rất khó hấp thu và canxi làm giảm tiến trình này.
Do đó bạn nên sử dụng hai chất dinh dưỡng này cách xa nhau vài giờ đồng hồ. Ngoài ra, khi bổ sung canxi các bà bầu nên lưu ý không nên phối hợp cùng lúc với các thực phẩm như chocolate, trà, cà phê để tránh các tương tác xảy ra có thể sẽ làm giảm hấp thu canxi.
Nên uống viên sắt lúc bụng đói và uống kèm với các loại nước giàu vitamin C như nước cam, nước chanh… Khi uống viên bổ sung sắt bạn nên uống nhiều nước và ăn những thực phẩm giàu chất xơ để phòng ngừa táo bón. Tránh sử dụng trà hay cà phê vì sẽ làm giảm sự hấp thu sắt.
Trong nước cam có chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng đặc biệt là acid hữu cơ oxalic. Khi uống canxi kèm theo nước cam thì canxi sẽ tác dụng với acid oxalic tạo nên muối canxi oxalat, đây là hợp chất khó tan, do đó ngăn cản quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể, trong một số trường hợp nguy hiểm hơn còn gây nên tình trạng ngứa, rát và sưng miệng, họng thậm trí khó thở. Ngoài ra các tinh thể muối oxalat có trong nước tiểu là thành phần chủ yếu của bệnh sỏi thận…
Do vậy không nên uống canxi hay các thực phẩm giàu canxi ( như sữa ) với nước cam cùng lúc.
Câu hỏi:
Từ khi bầu em bị rất nhiều mụn mủ, mụn bọc ở dưới cằm và lan xuống dưới cổ. Em đang uống Elevit + DHA + nextG cal và ko thấy bị táo bón. Có xét nghiệm chức năng gan thận rồi nhưng chỉ số bình thường (em sợ nóng trong). Nhưng da thì vẫn bị rất nhiều mụn. Trường hợp của em thì có nên uống thuốc trị mụn hoặc đi lấy nhân mụn ra không ạ? Em thấy ngứa và rát lắm ạ. Thông thường sau khi hết thai kỳ thì tình trạng này có tự động giảm không ạ? (Nguyễn Ngọc Mai – Tuổi thai: 22)
Trả lời:
Khi mang thai mụn dễ xuất hiện hơn bình thường là do thời gian này nội tiết cơ thể người phụ nữ bị rối loạn. Thông thường mụn sẽ khởi phát cũng như trở nên tệ hơn vào những tháng đầu khi mang thai nhanh chóng thuyên giảm sau khi sinh xong.
Hướng dẫn cách điều trị mụn: Giữ vệ sinh da mặt và ăn uống hợp lý là cách điều trị mụn khi mang thai an toàn, hiệu quả. Do quá nóng ruột lúc mụn nổi ồ ạt, nhiều chị em đã tự ý thoa thuốc, kem trị mụn pha chế, kem trộn hay bắt chước dùng những loại thuốc được kê cho người không mang thai, gây hại đến sức khỏe thai nhi và bản thân. Thay vào đó bạn nên áp dụng những phương pháp dưới đây để đảm bảo hiệu quả và an toàn:
– Sử dụng sữa rửa mặt dành cho da mụn, kết hợp thoa thêm nước hoa hồng hằng ngày và tẩy tế bào chết đều đặn 1 lần/tuần, giúp da luôn sạch sẽ, không cho mụn có cơ hội sinh sôi.
– Hạn chế ra nắng vào thời gian từ 10h00 sáng đến 3h00 chiều và luôn đeo khẩu trang mỗi khi ra đường nhằm tránh bụi bẩn bám vào khiến mụn hình thành, viêm nhiễm nặng.
– Tuyệt đối không cạy, nặn mụn sẽ làm mụn mọc thêm, hơn thế nữa đây còn là nguyên nhân dẫn đến sẹo thâm, vết thâm, sẹo rỗ, kích thích mụn lan rộng xung quanh.
– Không sử dụng các thuốc bôi thuộc nhóm retinoid (acid retinoic,retinol, adapalen…) hoặc các thuốc gây lột sừng nhiều.
– Các sản phẩm chăm sóc da đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan y tế kiểm định, chiết xuất từ thiên nhiên.
– Hạn chế trang điểm, dùng mỹ phẩm, kem dưỡng da giúp da thông thoáng và ngăn ngừa tiếp xúc hóa chất độc hại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.
– Đi ngủ sớm, giữ tinh thần vui vẻ, suy nghĩ tích cực, không thức khuya, căng thẳng… là những điều quan trọng để giúp mụn nhanh chóng biến mất, không lo tái phát lại tốt cho sức khỏe của cả mẹ lẫn con.
– Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, uống đủ 2 lít nước/ngày, giảm thực phẩm dầu mỡ, cay nóng và nói không với bia, rượu…
Câu hỏi:
Em bắt đầu đau 2 bên xương hông từ tuần 10 thai kỳ, đau nhiều về tối, sẽ đau rút khi đang nằm đứng dậy đi lại. Bs tư vấn giúp em em có bị thiếu chất gì hay em có phải đi khám không ạ? Và cho em hỏi khi nào e có thể bổ sung canxi ạ? (Lưu Hà – Tuần thai: 13)
Trả lời:
Theo như một số triệu chứng chị kể bác sỹ nghĩ đến chị có thể bị đau xương chậu khi mang thai. Tình trạng đau xương chậu khi mang thai là do cơ thể sản xuất một loại hormone có tên là Relaxin khiến các dây chằng vùng chậu mềm và giãn ra.
Đây là quá trình sinh lý bình thường, là sự chuẩn bị của cơ thể cho quá trình chuyển dạ sau này. Tuy nhiên nó làm khung chậu giảm tính ổn định. Thêm vào đó, thai nhi lớn dần trong tử cung, cùng sự thay đổi tư thế đi đứng càng tăng thêm áp lực lên khung chậu gây ra đau xương chậu khi mang thai.
Về vấn đề bổ sung canxi cho bà bầu cũng hết sức quan trọng. Nhu cầu canxi khi mang thai thay đổi theo từng giai đoạn:
Nếu không có lượng canxi đầy đủ, cơ thể mẹ sẽ phân giải phần nào hợp chất canxi có trong xương và phóng thích vào máu để phục vụ quấ trình hình thành hệ xương cho con. Thông thường vào khoảng tháng thứ 4 của thai kì người mẹ nên uống canxi để cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé.
Để xác định tình trạng của chị có phải đau xương chậu khi mang thai không và tư vấn cách sử dụng canxi phù hợp, mời chị đến BVHN thăm khám để bác sỹ đưa ra lời khuyên chính xác nhất.
Câu hỏi:
Em đang uống viên tổng hợp pregnacare. Giờ em bắt đầu sang tháng thứ 4 thì nên uống thêm canxi, DHA và sắt như thế nào cho hợp lý? (Nguyễn Hằng – Tuần thai:13)
Trả lời:
Để duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, phụ nữ mang thai nên chú ý bổ sung ít nhất 27mg sắt và 1.300-2.000mg canxi mỗi ngày. Em nên đi khám thai để bác sĩ kê thuốc bổ với hàm lượng sắt và canxi phù hợp với mình.
Câu hỏi:
Tôi đang mang thai lần đầu tiên. Tôi có đi khám bác sĩ có yêu cầu tôi nên đi làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Nhưng theo tôi được biết xét nghiệm này nên thực hiện trước tuần 28 thì cho kết quả đúng. Mà cuối tuần này tôi dự định đi tiêm phòng uốn ván. Bác sĩ cho tôi hỏi nếu tôi k đi làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được không? Vì hầu hết tháng nào tôi cũng xét nghiệm nước tiểu. Và tôi cũng không bị béo, tôi cũng ăn ít đồ ngọt. (Vũ Tâm – Tuổi thai 28)
Trả lời:
Đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý khá thường gặp trong thai kỳ.
Theo dõi đái tháo đường thai kỳ:
– Lần khám thai đầu tiên: làm đường huyết lúc đói.
– Ở tuần thai từ 24- 28 của thai kỳ: làm nghiệm pháp đường huyết đối với thai phụ có nguy cơ sau:
+ Béo phì
+ Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường
+ Tiền sử đái tháo đường lần mang thai trước
Tiền sử sinh con > 4kg hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân
Để kiểm tra đái tháo đường thai kỳ mẹ cần làm xét nghiệm đường huyết. Trường hợp của mẹ không có tiền sử bất thường, tuổi thai 28 tuần, mẹ vẫn nên kiểm tra đường huyết lúc đói để sàng lọc đái tháo đường thai kỳ.
Câu hỏi:
Em mang thai lần đầu tiên. Trước khi bầu, em đã tiêm mũi uốn ván. Vậy cho em hỏi tới tuần 26 em có cần tiêm mũi uốn ván nữa không ạ? (Đỗ Thanh Huyền – Tuần thai: 21)
Trả lời:
Theo quy định của bộ y tế:
– Đối với người chưa tiêm đủ vắc xin hoặc không rõ tiền sử tiêm:
+ Lần 1: tiêm sớm khi mang thai lần 1
+ Lần 2: ít nhất sau lần 1 một tháng vfa tiêm trước dự sinh 1 tháng
+ Lần 3; ít nhất sau mũi 2 sáu tháng hoặc kỹ có thai sau
+ Lần 4: ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kì mang thai sau
+ Lần 5: ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kì có thai sau
– Đối với những người tiêm đủ 3 mũi :
+ Lần 1: tiêm sớm khi mang thai lần đầu
+ Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 2
+ Lần 3: ít nhất 1 năm sau lần 2
– Đối với những người đã tiêm đủ 3 mũi cơ bản + tiêm nhắc lại 1 lần:
+ Lần 1: tiêm sớm khi mang thai
+ Lần 2: ít nhất 1 năm sau lần 1
Theo câu hỏi của em không rõ em đã tiêm đủ số lượng mũi uốn ván chưa (3 mũi) và mũi uốn ván gần nhất em tiêm trước khi mang thai bao lâu. Nếu mũi em vừa tiêm là mũi tiêm nhắc lại thì khi mang thai lần đầu em tiêm thêm 1 mũi trong giai đoạn 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ (cách lúc sinh ít nhất 1 tháng).
Câu hỏi:
Hiện e đang uống vitamin tổng hợp loại pregnacare của Anh, ngày uống 1 lần; e đi xét nghiệm thì thiếu máu và canxi. Bác sĩ cho em hỏi giờ em uống bổ sung sắt và canxi loại nào được ạ? Canxi em dùng loại corbiere được không ạ (Chu Bích Hạnh – Tuần thai: 17)
Trả lời:
Em nên đi xét nghiệm thấy thiếu máu, bác sĩ muốn biết em thiếu máu ở mức độ nào, hồng cầu có nhỏ không? Kết quả xét nghiệm sắt và canxi máu như thế nào? Để tìm nguyên nhân thiếu máu. Nếu nghĩ đến thiếu máu thiếu sắt khi mang thai bác sĩ sẽ cho em bổ sung thêm sắt. Còn nếu thiếu máu do nguyên nhân khác, bác sĩ khuyên em đi khám và xét nghiệm chuyên sâu hơn để tìm nguyên nhân.
Lần sau tái khám em nhớ mang theo kết quả xét nghiệm để bác sĩ tư vấn cụ thể hơn cho bạn. Mỗi loại chế phẩm bổ sung sắt và canxi cho bà bầu đều có ưu điểm riêng. Canxi corbiere dưới dạng nước, khá dễ uống và dùng cho mẹ bầu cũng tương đối tốt.