Câu hỏi:
Em mới 14 tuần thai nhưng 1 tuần trở lại đây em đã bị tình trạng đau xương mu và 2 bên háng, cho em hỏi đây có phải do con tụt xuống thấp và em có cần đi khám không ạ? (Lưu Hà – Tuần thai: 14)
Trả lời:
Hiện tượng đau khớp háng và xương mu khi có thai là hiện tượng hay gặp thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này:
– Do biến đổi hormone khi có thai: nồng độ progesterone trong máu mẹ tăng cao khi có thai làm cho các khớp xương giãn nở, kém dẻo dai, các dây chằng tại vùng này bị kéo căng gây đau nhức
– Phù nề: thể tích tuần hoàn trong cơ thể thai phụ tăng, ứ trệ tuần hoàn vùng dưới khi thai kỳ ở 3 tháng cuối do thai to chèn ép, dẫn đến tình trạng phù nề, chèn ép đau xương mu.
– Tư thế thai nhi: tháng cuối thai nhi thường có tư thế hướng xuống phía dưới âm đạo để sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ
– Thai to, gây áp lực lớn lên khớp mu, khớp háng.
Hiện tại em có thai 14 tuần, vẫn là tuần thai nhỏ, việc đau khớp háng và khớp mu có thể hơi sớm. Em nên đến bệnh viện khám để bác sỹ kiểm tra cụ thể tình trạng của em và thai nhi để có những lời khuyên chính xác hơn về trường hợp của mình. Ngoài ra, một số lời khuyên cho em giúp cải thiện tình trạng này:
– Nghỉ ngơi nhiều hơn: tránh vận động quá sức, tránh vận động mạnh và nhiều
– Thay đổi tư thế: nằm nghiêng nhằm đảm bảo lưu lượng tuần hoàn thai nhi và mẹ. Khi ngồi nên có gối tựa lưng, không nên nằm, ngồi lâu một tư thế, hạn chế sinh hoạt lâu trong tư thế đứng
– Chế độ ăn bổ sung canxi
– Tập thể dục nhẹ nhàng
– Không mang giày cao gót, nên chọn giày đế thấp hoặc đế bằng.
Câu hỏi:
Dạo gần đây em bị mất ngủ trầm trọng. Đêm toàn 2 – 3h sáng em mới có cơn buồn ngủ nhưng sáng chỉ tầm 6h30 – 7h là em đã tỉnh. Trong quá trình ngủ, em thường xuyên phải trở người cho đỡ khó chịu. Sáng dậy có chút khó chịu nhưng em vẫn chịu được. Em muốn tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục ạ. (Tú Anh – Tuần thai: 28)
Trả lời:
Mất ngủ ở thai kì không phải hiện tượng hiếm gặp, thường xảy ra ở 3 tháng đầu và tháng cuối thai kỳ, một số ít mất ngủ suốt thai kì.Mất ngủ làm cho thai phụ mệt mỏi, mất sức ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tinh thần của sản phụ.
Em mang thai 28 tuần, nguyên nhân gây mất ngủ có thể gặp:
– Đi tiểu nhiều lần trong đêm
– Căng cơ, chuột rút
– Đau hông, lưng
– Ợ hơi, đầy bụng táo bón
– Thai nhi đạp nhiều khiến mẹ bầu khó chịu, khó ngủ
– Lo lắng căng thẳng….
Để cải thiện tình trạng này đầu tiên em nên đi khám để bác sỹ kiểm tra tình trạng của em và thai để có những tư vấn cụ thể về trường hợp của mình để có lời khuyên chính xác, đồng thời em nên:
– Tránh ăn uống quá no hoặc quá nhiều nước trước khi đi ngủ
– Chế độ ăn tăng cường vitamin và rau xanh
– Ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm nhai kĩ, tránh đau dạ dày và dạ dày không bị quá tải
– Chế độ ăn đủ dinh dưỡng, đủ canxi
– Không dung các chất kích thích: caffe, trà, socola…
– Khi ngủ nên nằm nghiêng trái, uốn cong đầu gối hoặc gác chân lên cao giúp tuần hoàn thai nhi và máu về tim dễ dàng không bị hội chứng chèn ép.
– Tập thể dục theo những bài tập cho thai phụ cải thiện chứng chuột rút
– Tắm nước ấm, ngâm chân trước khi ngủ.
– Không nên ngủ quá nhiều vào ban ngày.
– Đi vệ sinh trước khi đi ngủ
– Tránh căng thẳng, lo lắng trước khi đi ngủ.
Câu hỏi:
Khoảng từ 22 tuần trở ra em bị mất ngủ triền miên, mặc dù ăn uống và bổ sung sắt canxi đầy đủ, thường khoảng 2-3h sáng hoặc có khi đếnn sáng. Thứ 2 là em nằm nghiêng bên phải hoặc nằm ngửa sẽ dễ chịu hơn nếu chủ đích nằm nghiêng trái. Bác sỹ cho em hỏi 2 tình trạng trên của em liệu có ảnh hưởng đến bé về lâu về dài không? (Bùi Hiền – Tuần thai: 28)
Trả lời:
Với phụ nữ mang thai, việc thai nghén không phải là nguyên nhân gây tình trạng mất ngủ trầm trọng. Thường chỉ gặp ở những thấng cuối thai kỳ do đầu thai nhi tụt thấp kích thích vào bang quang khiên mẹ đi tiểu đêm nhiều lần ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Việc mất ngủ có thể gây một số ảnh hưởng sau:
– Khi mang thai, giấc ngủ khá cần thiết đối với sự phát triển thai nhi và hoạt động tạo máu của chính cơ thể sản phụ.
– Ảnh hưởng sức khỏe của thai phụ trong quá trình mang thai: thai phụ luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải
– Thường xuyên thiếu ngủ khiến não bộ thiếu oxy và mốt số vi chất, dẫn tới 1 số ệnh lý khác: đau đầu, tăng huyết áp…
– Stress
– Trầm cảm sau sinh
– Những vấn đề sức khỏe của thai phụ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi: trẻ dễ bị thiếu máu, chậm phát triển…
Cách khắc phục:
– Tăng cường nhóm thực phẩm vitamin B: rau xanh, ngũ cốc nguyên cám
– Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kĩ giảm công việc của dạ dày
– Hạn chế ăn ngọt
– Hạn chế các đồ uống có chất kích thích: café, trà, socola…
– Tránh uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ.
– Phòng ngủ sạch sẽ, yên tĩnh, tối đảm bảo giấc ngủ sâu.
– Tập luyện thể dục nhẹ nhàng trong quá trình mang thai
– Sắp xếp thời gian nghỉ hợp lý, giấc ngủ trưa 30- 60p/ ngày, tạo thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
Trường hợp của chị tình trạng mất ngủ nhiều từ lúc tuổi thai còn nhỏ, chị nên kết hợp thăm khám bác sĩ tâm thần kinh để tìm hiểu thêm nguyên nhân.
Có thể chọn tư thế ngủ để thai phụ cảm thấy thoải mái nhất, có giấc ngủ sâu.
Tư thế được khuyên nhiều nhất, có lợi hơn nhiều cho thai phụ là: nằm nghiêng trái, đầu gối uốn cong, chân gác lên cao. Tư thế này giúp giảm áp lực tĩnh mạch chân, hạn chế tình trạng phù nề, đồng thời tăng cung cấp lượng máu cho tim, có lợi cho việc cải thiện tuần hoàn máu huyết nhau thai.
Câu hỏi:
Em mới đi siêu âm ngày hôm qua. Bác sĩ báo thai được 9 tuần +_7 ngày. Trước khi mang thai e có tiêm phòng cúm, sởi – quai bị – rubella bác sĩ có căn dặn sau 3 tháng mới được mang thai, theo số tuần thai siêu âm thì e còn thiếu 2 tuần nữa mới tròn 3 tháng từ ngày tiêm phòng. Bác sĩ cho e hỏi liệu có ảnh hưởng gì tới thai nhi không ạ? (Đào Hằng – Tuần thai: 9)
Trả lời:
Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin được khuyến cáo nhằm tạo miễn dịch hiệu quả, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây dị tật cho thai nhi, thậm chí đe dọa tính mạng của 2 mẹ con trong giai đoạn nhạy cảm.
Đồng thời việc tiêm vacxin đầy đủ cho mẹ cũng giúp trẻ vừa chào đời có được miễn dịch thụ động từ mẹ, bảo vệ trẻ trong những năm tháng đầu đời.
Đối với vacxin phòng bệnh cúm nên được chủ động tiêm trước mang thai 1 tháng.
Đối với vacxin phòng thủy đậu, sởi – quai bị – rubella tốt nhất nên được tiêm trước khi mang thai 3 tháng, tối thiểu 1 tháng (thành phần vacxin Rubella là loại vacxin sống giảm động lực tuyệt đối không được tiêm ở phụ nữ biết mình có thai ).
Trong trường hợp của khách hàng, biết mình mang thai thời gian từ lúc tiêm tới lúc mang thai chưa đến 1 tháng. Khách hàng cần thông báo trường hợp này cho bác sĩ tư vấn:
– VR vacxin Rubella có thể qua nhau thai và lây nhiễm sang thai nhi. Tuy nhiên chưa có trường hợp nào được báo cáo về hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) ở phụ nữ vô tình tiêm vacxin ở thời kì đầu mang thai. Các Ủy ban về thực hành tiêm chủng của Mỹ, Anh, Thụy Điển, Đức xác nhận không có trường hợp CRS nào ở trẻ sinh ra từ những bà mẹ đã được tiêm chủng từ 2 tuần trước đó và 6 tuần sau thụ thai (theo Uptodate). Do đó không có chỉ định chấm dứt thai kì với trường hợp này, tuy nhiên phải khám thai thường xuyên theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai trong thai kì.
– Tư vấn tiền sản sớm.
Câu hỏi:
Hôm nay em thấy có khí hư màu hơi xanh, có phải sắp sinh không ạ? (Vân An – Tuần thai: 37)
Trả lời:
Ra khí hư màu xanh không phải dấu hiệu chuyển dạ. Dấu hiệu chuyển dạ là đau bụng, ra máu âm đạo, ra nước âm đạo.
Khi em có dấu hiệu trên thì mẹ cần phải đi khám ngay. Còn ra khí hư màu xanh thì mẹ cần đi khám để kiểm tra xem mình có viêm âm đạo hay không.
Câu hỏi:
Em mới đi siêu âm ngày hôm qua. Bác sĩ bảo đầu thai tụt thấp quá doạ sinh non, sảy thai. Hiện tại em đang trong tình trạng táo bón rất nặng, thiếu máu và không thấy bị đau bụng. Bác sĩ dặn về nghỉ ngơi, ăn đồ mát và chú ý nếu có đau bụng thì cần khám lại ngay. Vậy bác sĩ cho em hỏi trường hợp của em có nguy hiểm lắm không ạ và em cần lưu ý những điều gì để cải thiện tình trạng này ạ? (Hồng Thắm – Tuần thai: 20)
Trả lời:
Việc đánh giá dọa sinh non không phải chỉ dựa vào siêu âm đầu thai nhi tụt thấp mà cần dựa vào việc thăm khám lâm sàng của bác sỹ sản khoa. Cần phải thăm khám xem có sự xóa mở cổ tử cung hay không.
Cần phải chạy máy monitoring sản khoa để đánh giá tim thai và có cơn co tử cung hay không. Khi siêu âm cũng phải chú ý đến chiều dài cổ tử cung. Nếu có dấu hiệu dọa sảy thai thì mẹ cần phải nhập viện để theo dõi và điều trị giữ thai.
Câu hỏi:
Em bị herpes ở môi đã từ lâu, e nghe nói bệnh này có ảnh hưởng đến em bé, bác sĩ cho em hỏi, liệu mỗi khi phát bệnh có ảnh hưởng đến thai nhi không ạ, em có thể dùng acyclovir được ko ạ? (Thu Trang – Tuần thai: 23)
Trả lời:
Herpes là một bệnh lý nhiễm trùng thường gặp do virus HSV gây ra. Nhiễm Herpes khi mang thai có những dấu hiệu lâm sàng chủ yếu là nốt phỏng nước và vết loét gây đau ở vùng miệng, sinh dục và hậu môn.
Nhiễm Herpes khi mang thai thường lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét. Theo thống kê những bà mẹ khi mang thai lần đầu bị nhiễm Herpes thì nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi từ 30- 60%, nhất là trường hợp Herpes sinh dục.
Trong trường hợp của chị bị Herpes tại miệng, đã khỏi bệnh mà tái nhiễm lại thì tỷ lệ lây nhiễm cho con chỉ khoảng 3%, thậm chí khi nhiễm Herpes không có tổn thương bọng nước tỷ lệ lây chỉ còn khoảng 1%. Nếu chị bị Herpes tại miệng thì gần như không có anh hưởng tới thai nhi nếu thai nhi không tiếp xúc với nốt phỏng nước, nếu bị sau sinh con chị vẫn cho con bú hoàn toàn bình thường.
Trong trường hợp chị bị tái nhiễm Herpes, tùy tình trạng của bệnh sẽ có chỉ định dung thuốc kháng virus (Acyclovir). Trong trường hợp đó chị cần qua gặp bác sỹ để được thăm khám và tư vấn kỹ hơn.
Câu hỏi:
Khoảng năm 2017, em không may bị sùi mào gà nhưng phát hiện ra sớm và chỉ mới mọc 1 vài nốt mụn em đã điều trị và có đi sinh thiết lại tại bệnh viện da liễu Trung ương, kết quả cả lấy máu và sinh thiết đều âm tính bác sỹ kết luận là đã khỏi hẳn và không tái phát, thì em có thể sinh thường được không ạ? Và liệu có ảnh hưởng đến thai nhi không. Với hiện tại em bị táo bón, đi nặng rất ít, cả tuần chỉ đi 1 – 2 lần, vậy có thể dùng thuốc gì được không ạ? (Vũ Linh – Tuần Thai: 5)
Trả lời:
Nếu bạn bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục khi mang thai, sùi mào gà có thể phát triển lớn hơn bình thường và làm cho bạn đau khi đi tiểu. Sùi mào gà lớn cũng có thể gây chảy máu khi sinh. Đôi khi, sùi mào gà trên thành âm đạo có thể làm cho âm đạo khó mở rộng trong khi sinh. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật.
Rất hiếm các trường hợp bệnh truyền sang thai nhi. May mắn thay, các chủng HPV gây ra sùi mào gà không làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc các vấn đề khi sinh.
Trường hợp của chị hiện tại khám âm hộ âm đạo không biểu hiện của sùi mào gà thì không có ảnh hưởng gì đến thai và chị hoàn toàn có thể sinh thường.
Nguyên nhân:
– Sự gia tăng hormone progesterone khi mang thai gây ra sự thư giãn của cơ bắp của bạn. Điều đó bao gồm ruột của bạn. Và ruột di chuyển chậm hơn có nghĩa là tiêu hóa chậm hơn.
– Tử cung phát triển, chèn ép một số dây thần kinh, tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch dưới. Mặt khác, thai nhi cũng càng ngày càng lớn chiếm chỗ trong ổ bụng, chèn ép thu hẹp không gian của đường tiêu hóa, cũng làm thức ăn di chuyển chậm hơn.
– Thai phụ bị mất nước do nôn nghén trong ba tháng đầu, gây chứng táo bón
– Bà bầu rất dễ lười vận động, đặc biệt là khi gần vào cuối thai kỳ vì bụng đã nặng và chân sưng đau. Điều này cũng dẫn đến táo bón ở bà bầu.
– Rất nhiều bà bầu cần bổ sung canxi và sắt cho sự phát triển xương của thai nhi. Tuy nhiên, việc nạp quá nhiều 2 yếu tố vi lượng này này cũng sẽ gây táo bón.
– Thai phụ đã hoặc đang lạm dụng thuốc nhuận tràng liều lượng cao.
– Bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc nhược giáp cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón ở bà bầu.
– Thói quen nhịn đi vệ sinh cũng gây rối loạn tiêu hóa, táo bón. Ngoài ra việc ăn uống quá nhiều, cơ thể không hấp thụ và tiêu hóa kịp cũng dẫn đến táo bón.
Cách khắc phục:
– Nếu bị táo bón cần, bà bầu có thể và áp dụng một vài cách chữa trị tạm thời và phòng bệnh an toàn như sau:
– Uống nhiều nước hơn. Mỗi ngày uống đủ lượng 2,5 – 3 lít để dễ đi ngoài hơn
– Bổ sung probiotic và prebiotic để tăng sức đề kháng với vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ quá trình lên men tại ruột già
– Ngưng sử dụng thuốc, ăn đồ ăn nhuận tràng, dầu khoáng
– Ăn nhiều trái cây, rau xanh
– Thay đổi tư thế ngồi khi đi ngoài: Nghiêng người về phía trước và chống khuỷu tay trên đầu gối
– Sử dụng dung dịch thụt tháo, nhét hậu môn hay dầu bôi trơn theo chỉ định của bác sĩ
– Vận động nhẹ nhàng như đi bơi, đi bộ, yoga trong thời gian có thai
– Tập cho mình thói quen đi vệ sinh đúng giờ để không bị rối loạn tiêu hóa, gây táo bón
– Giảm căng thẳng, bởi tâm trạng căng thẳng có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.
Câu hỏi:
Hiện tại em phát hiện tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 18. Đã đi viện và tiêm 1 lượng insulin là sáng trước khi ăn 9 đơn vị (novorapid flexpen), trưa: 4 đơn vị, chiều 5 đơn vị, tối trước khi ngủ lúc 22h là 13 đơn vị. Bác sĩ cho em hỏi, mặc dù em đã điều chỉnh chế độ ăn uống rồi, nhưng đường đói của em vẫn cao (mặc dù em tiêm lượng như ở viện thì ở viện vẫn ổn). Vậy em làm cách nào để giảm đường đói.
Và em cũng có thắc mắc, do e tiêm insulin trước khi ngủ lúc 22h thì bữa ăn phụ của em nên thực hiện trước khi tiêm hay sau khi tiêm lúc 22h (tiêm thuốc insulatard flexpen). Ngoài ra chỉ số đường đói của em cao có gây ảnh hưởng cho em bé, và mẹ có nguy cơ tiểu đường tuýp 2 hay k? Hiện nay, em có uống bộ 3 Elevit (1v/ngày, Dha bioisland (3v/ngày), và canxi ostelin (1v/ngày). Tuy nhiên ở viện nội tiết có kê thêm cho em uống thuốc hemomax và nextG cal, vậy em có nên uống thêm không? Hay chỉ cần uống bộ 3 thuốc của em là đủ? (Lê Thị Thu Hằng – Tuần thai: 21 tuần 6 ngày)
Bác sĩ trả lời:
Trong thời gian điều chỉnh insulin ở viện có kết quả tốt, về nhà lại chưa điều chỉnh tốt, mình có thể xem lại các yếu tố sau
– Tiêm đúng cách
– Chế độ ăn đã tuân thủ đúng hướng dẫn của BS nội tiết chưa
Khi không kiểm soát được đường huyết (để đường huyết quá cao) có thể gây mất tim thai.
Tất cả sản phụ tiểu đường thai kì đều có nguy cơ thấp tiến triển thành đái tháo đường thực sự (< 5%)
Trước lúc đi ngủ, em có thể test thử đường huyết, nếu thấp (< 5) nên ăn thêm một chút bữa phụ ( uống 1 cốc sữa chẳng hạn).
Với tuổi thai này chỉ cần bộ 3 trên đã đủ rồi nhé ạ.
Câu hỏi:
Từ lúc có bầu đến giờ em luôn trong tình trạng mỏi toàn thân. Hiện e đang uống Elevit và DHA. Liệu em có phải bị thiếu canxi không ạ? Nhưng em đọc mạng thì bổ sung canxi phải từ tháng thứ 4 trở đi ạ? ( Trần Kiều Linh – Tuần thai: 9)
Trả lời:
Đây là tình trạng chung của hầu hết phụ nữ mang thai trong thời gian 3 tháng đầu. Không phải là triệu chứng của thiếu canxi mẹ nhé. Canxi có thể bổ sung từ sớm nhưng chưa cần quá nhiều, mẹ đi khám định kỳ, sẽ có hướng dẫn của bác sĩ sản khoa về việc dùng canxi trong thai kỳ.